Thông thường khi nói đến bệnh hô hấp ở trẻ em là nhiều người sẽ nghĩ đây là bệnh chỉ gặp vào mùa mưa, mùa lạnh và khi chuyển mùa. Điều đó cũng đúng, theo lẽ thường thì đây là những mùa mà trẻ rất dễ mắc các bệnh đường hô hấp vì là lúc thuận lợi cho các mầm bệnh phát triển, lây lan.

Tuy nhiên trên thực tế, khi thời tiết trở nên quá nóng bức, số trẻ mắc bệnh hô hấp lại cũng có xu hướng gia tăng đôi chút. Tuy không đến mức đỉnh điểm như các mùa kia nhưng cũng khiến các bậc cha mẹ phải quan tâm.

Tại sao lại như vậy ???

Thứ nhất, khí hậu nóng, ẩm của mùa hè tạo điều kiện cho vi khuẩn và virus lây lan diện rộng. Với các vius lây qua đường hô hấp thì đây mới chính là mùa xuân của chúng.

Thứ hai, mùa hè rất nhiều gia đình cho con cái đi du lịch. Thay đổi môi trường đột ngột khiến trẻ chưa thích nghi kịp, lại là lợi thế cho vi khuẩn tấn công sức đề kháng còn non yếu của trẻ.

Thứ ba, nằm điều hòa, mùa hè thường phải sử dụng điều hòa, đây cũng là 1 nguyên nhân đáng kể! Ở lâu trong môi trường điều hòa có thể làm khô màng nhầy đường hô hấp của bất kì chiếc mũi nào. Đặc biệt là trẻ em và người già.

Ho, viêm họng, viêm họng hạt hay viêm amidan, đều là viêm nhiễm đường hô hấp. Nếu ngay từ khi bé mới có dấu hiệu chớm ho, sổ mũi mà mẹ không có biện pháp hỗ trợ kịp thời thì sẽ khiến trẻ bị viêm đường hô hấp sâu hơn. Điển hình là viêm phế quản, viêm phổi…

Nguyên tắc phòng bệnh hô hấp cho trẻ

– Nuôi dưỡng trẻ với chế độ dinh dưỡng đầy đủ và khoa học: Chế độ ăn hợp lý, cân đối, đầy đủ 4 nhóm chất dinh dưỡng đạm, tinh bột, trái cây, rau xanh. Tăng cường thêm những thực phẩm giàu vitamin C như cam, chanh để tăng sức đề kháng cho cơ thể.

– Cho trẻ bú sữa mẹ hoàn toàn khi trẻ dưới 4 tháng tuổi và duy trì càng lâu càng tốt: sẽ giúp trẻ giảm được nguy cơ nhiễm khuẩn hô hấp, viêm phổi. Giảm mức độ nguy hiểm nếu không may mắc bệnh viêm tiểu phế quản và giảm cả nguy cơ mắc bệnh hen suyễn.

– Chủng ngừa đầy đủ: Tiêm chủng mở rộng và tự nguyện phòng cúm, phế cầu. Đặc biệt với những trẻ có bệnh mãn tính như hen suyễn.
– Uống Vitamin A và các nguyên tố vi lượng khác (sắt, kẽm…) theo hướng dẫn từ các trung tâm y tế có đủ chuyên môn.
– Giúp trẻ tránh xa khói thuốc lá: Khói thuốc lá làm tăng nguy cơ nhiễm khuẩn hô hấp và tăng nguy cơ viêm phổi, viêm tai giữa. Tăng độ nặng và biến chứng lâu dài khi trẻ bị viêm tiểu phế quản.

– Hạn chế trẻ tiếp xúc với những ô nhiễm, khói bụi. Tránh nấu bếp bằng than, củi.

– Tránh cho trẻ (nhất là trẻ nhỏ) gần gũi, tiếp xúc với người đang bị cảm – ho.

– Duy trì cho trẻ thói quen đánh răng và súc miệng hàng ngày.

– Rửa sạch tay trước và sau khi chăm sóc trẻ. Đây là một biện pháp đơn giản, đã được chứng minh hiệu quả trong giảm nguy cơ mắc nhiễm khuẩn hô hấp.

– Sử dụng quạt máy và máy lạnh hợp lý: Khi thời tiết quá nóng bức, việc sử dụng các phương tiện làm mát là cần thiết. Tuy nhiên, nếu sử dụng không đúng cách sẽ ảnh hưởng xấu đến sức khoẻ của trẻ:

Làm gia tăng nguy cơ mắc các bệnh nhiễm khuẩn hô hấp, bệnh dị ứng đường hô hấp… Đó là do khả năng thích nghi của cơ thể trẻ với những thay đổi nhiệt độ bên ngoài còn kém. Sức đề kháng còn yếu và trẻ thường thụ động, chưa có đủ ý thức về tác hại này nên cũng chưa có ý thức tự bảo vệ.

Hy vọng những thông tin trên đây hữu ích với các bố mẹ trong việc phòng bệnh hô hấp cho trẻ khi vào hè.