Không phải tự nhiên mà Việt Nam được xếp vào nhóm các nước có tỉ lệ kháng kháng sinh cao nhất trên thế giới. Vậy nguyên nhân của tình trạng này là do đâu, liệu chính bạn có đang góp phần khiến nó trở nên nghiêm trọng hơn không??
1. 90% kháng sinh được bán ra mà không cần đơn
Ở Việt Nam 90% kháng sinh được bán ra mà không cần có đơn. Người bệnh có thể dễ dàng mua thuốc như mua rau ngoài chợ với bất kì loại nào, số lượng bao nhiêu.
Mặc dù đã có nhiều khuyến cáo về việc mua, bán kháng sinh nhưng tình trạng này vẫn chưa được kiểm soát chặt chẽ khiến cho lượng thuốc tiêu thụ mà không có đơn kê của bác sĩ vẫn ngày một gia tăng.
2. Sử dụng thuốc bừa bãi làm gia tăng tình trạng kháng thuốc.
Chính thói quen tự chữa bệnh, tự kê đơn thuốc của người dân dẫn đến tình trạng sử dụng kháng sinh tùy tiện, góp phần làm tăng sự kháng thuốc.
Uống được 2-3 hôm mà thấy các triệu chứng bệnh thuyên giảm thì ngay lập tức dừng thuốc vì lầm tưởng rằng bệnh đã khỏi rồi không cần tiếp tục sử dụng vì uống nhiều kháng sinh hại lắm.
Tuy nhiên họ không biết rằng liều thuốc kia mới chỉ làm cho vi khuẩn bị suy yếu, triệu chứng biến mất. Một thời gian sau khi gặp điều kiện thuận lợi vi khuẩn lại tiếp tục phát triển khiến bệnh tái phát nhanh chóng.
Hoặc cũng có nhiều trường hợp mới uống được 1-2 hôm mà chưa thấy đỡ lại tự ý đổi thuốc sang liều mạnh hơn cho nhanh khỏi. Vì nghĩ rằng thuốc tốt là thuốc chữa bệnh nhanh khỏi.
3.Kê đơn mà không cần khám bệnh
Do tâm lý ngại đi khám bệnh, nhất là đối với những bệnh phổ biến liên quan đến đường hô hấp trên như viêm họng, viêm amidan…Khi gặp các triệu chứng khó chịu mọi người thường ra các hiệu thuốc tây hỏi mua thuốc.
Tại Việt Nam nguời bán thuốc trở thành “bác sĩ” kê đơn chọn thuốc luôn cho bệnh nhân, chính vì vậy họ thường đưa ra những liệu trình có chứa kháng sinh để phát huy nhanh tác dụng. Vì thế có những bệnh không cần sử dụng đến kháng sinh nhưng họ vẫn cho vào cho người mua “yên tâm”
4. Tình trạng lây chéo vi khuẩn kháng thuốc
Tình trạng này có thể xảy ra do quá tải bệnh dẫn tới 1 bệnh nhân có 1 vi khuẩn kháng kháng sinh có thể chuyển vi khuẩn kháng kháng sinh cho người khác.
Nhất là trong môi trường có nhiều nguồn bệnh như Bệnh viện. Tại đây có khoảng 50 loại nhiễm khuẩn khác nhau trong đó phổ biến nhất là viêm phổi, nhiễm khuẩn vết mổ, nhiễm trùng da, nhiễm khuẩn huyết…
Việc tiếp xúc trực tiếp trong quá trình thăm khám, điều trị là cơ hội cho vi khuẩn kháng thuốc lây lan, gây ra nhiều hậu quả nghiêm trọng.
5. Lạm dụng kháng sinh trong chăn nuôi.
Kháng sinh ngày càng được sử dụng rộng rãi trong chăn nuối nhằm thúc đẩy tăng trưởng cũng như phòng ngừa giảm sâu bệnh cho cây trồng vật nuôi. Tuy nhiên chính việc sử dụng không hợp lý, lạm dụng trong thời gian dài dẫn đến việc hình thành các vi sinh vật đề kháng gây kháng thuốc ở người.
Trên đây là những nguyên nhân phổ biến nhất dẫn đến tình trạng kháng kháng sinh phổ biến tại nước ta hiện nay. Kháng thuốc khiến các sinh vật đề kháng không còn khả năng chống lại sự xâm nhập của vi khuẩn, virus.. dẫn đến thuốc điều trị không còn hiệu quả, làm tình trạng nhiễm khuẩn kéo dài gây ra nhiều hậu quả nghiêm trọng cho chính tính mạng người bệnh và cả cộng đồng.