Ngủ ngáy là một hiện tượng rất phổ biến và thường gặp ở trẻ nhỏ. Đây là một trong những dấu hiệu quan trọng giúp các bậc cha mẹ có thể nhận biết và phát hiện về chứng ngưng thở và các bệnh về đường hô hấp thường gặp ở trẻ.

1. Hiện tượng ngủ ngáy ở trẻ em

Trung bình cứ 10 trẻ thì sẽ có 1 trẻ ngáy ngủ vào ban đêm

Theo bác sĩ nhi khoa (Ấn Độ) cho biết ngáy là hiện sinh lý bình thường của trẻ. Trung bình cứ 10 trẻ thì sẽ có 1 trẻ ngủ ngáy vào ban đêm. Nguyên nhân có thể là do bé bị ngạt mũi, gỉ mũi, ảnh hưởng từ các bệnh lý về hô hấp.

Trong quá trình hít thở không khí đi vào không được lưu thông tự do làm cản trở đường thở của bé, đường dẫn khí mở ra và đóng lại tạo ra những rung động đến mô cổ họng. Không khí đi qua càng nhiều, tốc độ lớn thì độ rung cũng lớn hơn, nhất là khi gặp các trở ngại, vật cản trong đường dẫn khí này và tạo ra tiếng ngáy.

Thông thường, các bé từ ba tuổi trở lên có xu hướng ngáy khi chìm vào giấc ngủ sâu. Nếu bé hoàn toàn khỏe mạnh, ngáy không phải do các vấn đề về bệnh lý thì bố mẹ có thể yên tâm.

Nhưng nếu trẻ thường xuyên ngáy kèm theo những biểu hiện như khó thở, giật mình tỉnh giấc giữa đêm, ngủ không sâu và hay quấy khóc thì có thể đây là tình trạng ngáy do ảnh hưởng từ các bệnh lý về đường hô hấp, các bậc cha mẹ cần hết sức lưu ý và chủ động đưa trẻ đi thăm khám.

2. Nguyên nhân ngủ ngáy ở trẻ em

Nếu thấy trẻ ngủ ngáy kèm theo những biểu hiện lạ thì bố mẹ nên chủ động tìm hiểu nguyên nhân để cách khắc phục và cải thiện tình hình.

Bé bị viêm amidan

Viêm amidan ở trẻ dẫn đến tình trạng ngủ ngáy

Khi trẻ mắc viêm amidan cấp hoặc mãn tính sẽ dẫn đến tình trạng amidan bị viêm nhiễm và sưng phồng gây cản trở, tắc nghẽn đường thở, dẫn đến sự hỗn loạn bên trong của luồng không khí gây nên tình trạng ngáy khi ngủ. Việc đường hô hấp bị tắc nghẽn sẽ khiến bé khó thở và sinh ra chứng ngủ ngáy, không khí cũng không được lưu thông.

Nếu tình trạng này diễn ra trong một thời gian dài có thể dẫn đến ngưng thở ở trẻ, rất nguy hiểm. Bên cạnh đó việc không cung cấp đủ oxy khiến bé thường xuyên mệt mỏi, hay quấy khóc, ảnh hưởng đến chất lượng giấc ngủ cũng như sức khỏe của trẻ

Dị ứng theo mùa hoặc bé bị dị ứng khi tiếp xúc thứ gì đó

Việc dị ứng thời tiết hay các chất lạ khiến cho mũi bé tiết nhiều dịch nhầy hơn so với bình thường dẫn đến hiện tượng tắc mũi, khó thở và dẫn đến tình trạng ngáy như trên.

Bé bị xoang, cảm lạnh

Khi bị xoang hay cảm lạnh nước mủ từ bị trí viêm xoang tiết ra khiến đường mũi bị tắc, dẫn đến tình trạng khó thở hoặc không thể thở bằng mũi mà chuyển sang thở bằng đường miệng, tạo ra tiếng phì phò, khò khè khi bé thở trong lúc ngủ.

Bé bị tắc vách ngăn mũi

Phần vách ngăn mũi là sụn được phân tách rạch ròi với nhau qua hai ngăn lỗ mũi. Tuy nhiên một số ít trẻ sinh ra vách ngăn mũi bị lệch dẫn đến một bên lỗ mũi to, một bên lỗ mũi nhỏ. Khi bé thở luồng khí đi qua mũi không được phân bố đều, bên mũi nhỏ thường bị tắc nghẽn khiến bé khó thở và ngáy về đêm.

Nhiều người vẫn nghĩ hiện tượng ngủ ngáy ở trẻ em là hết sức bình thường. Tuy nhiên trong một số trường hợp đây lại là những thông báo sức khỏe tiềm ẩn mà nhiều khi bố mẹ không để ý. Hy vọng bài viết này sẽ giúp các vị phụ huynh có cái nhìn cụ thể và chi tiết hơn về bệnh ngủ ngáy ở trẻ, từ đó có biện pháp phòng ngừa và điều trị bệnh an toàn, hợp lý nhất cho trẻ