Viêm họng là chứng trong họng sưng hoặc hơi sưng, đỏ, đau. Bệnh có các dạng như viêm họng cấp, viêm họng mạn, viêm họng thể phì đại, viêm họng thể teo. Trong Đông y gọi bệnh viêm họng là Hầu tý.


1. Nguyên nhân gây bệnh viêm họng theo Đông y

Nguyên nhân gây viêm họng được cho là do ngoại tà bên ngoài xâm nhập vào. Họng là phần trên của phế, là nơi phế khí xuất ra. Phế có khả năng chống lại với tà khí, nếu phế khí mất chức năng kháng cự thì tà khí sẽ xâm nhập vào phế, rồi xông lên họng gây nên bệnh.

Bệnh còn do cách ăn uống không điều độ. Ăn nhiều thức ăn cay nóng, uống rượu, ăn thức ăn nhiều dầu mỡ làm cho tỳ vị bị tổn thương, nhiệt tụ lại ở tỳ vị, đưa lên họng gây nên bệnh.

Bệnh do tình chí bị tổn thương. Tình chí không điều hòa, can khí bị uất kết, khí không thông, khí trệ, đờm ngưng lại ở họng gây nên bệnh.

Tạng phủ không điều hòa cũng là nguyên do gây bệnh. Khi tạng phủ suy yếu, lao nhọc quá sức, nhiệt làm tổn thương phần âm, phế thận vốn đã bị suy yếu làm cho âm tinh hao tổn, tân dịch không đủ, họng không được nhu dưỡng, hư hỏa bốc nung nấu họng gây nên bệnh.


2. Điều trị viêm họng theo Đông y

Đông y chủ trị bệnh viêm họng theo từng nguyên nhân và triệu chứng bệnh cụ thể là:

– Điều trị viêm họng cấp, với triệu chứng họng đỏ, khô, rát, niêm mạc họng hơi phù nề, kèm sốt, nhức đầu được chữa theo phương Huyền thạch tán, gồm các vị: Huyền sâm 30g, Thạch hộc 35g, Thanh quả 20g, Sơn đậu căn 16g, Kim ngân hoa, Hoàng cầm, Mạch môn, Cúc hoa đều 15g, Cam thảo 10g. Tán bột cho vào gói, mỗi gói 6g. Mỗi lần dùng 1 gói, cho vào ly nước ấm thêm ít mật ong uống, 15 phút sau có thể uống lại một lần nữa, ngày uống 3 lần.

– Người bị họng đau như kim đâm, nuốt vào rát, sốt cao, đau đầu, cứng gáy, đau tai, miệng khô, táo bón, nước tiểu vàng, đờm vàng đục, lưỡi đỏ, rêu lưỡi vàng, mạch hồng sác, chữa theo phương Thanh yết lợi các thang gia giảm, gồm các vị: Bạch thược, Cát cánh, Hoàng liên, Huyền sâm, Phục linh, Phòng phong, Thăng ma đều 8g, Hoàng cầm, Ngưu bàng tử đều 12g, Cam thảo 4g. Sắc uống.

– Những người có triệu chứng họng ngứa đau, sưng đỏ, khô, nuốt khó ăn hay nghẹn, sốt cao, thích uống nước lạnh, khát; mạch sác, nhiều người mắc cùng thời điểm, lây lan lẫn nhau. Dùng phương pháp thanh hoả giải độc, gồm các vị: cam thảo 10g; hoàng liên 8g; nhân sâm 10g; bạch linh, hoàng cầm, ngưu bàng tử, bạch thược, thăng ma, phòng phong, cát cánh mỗi vị 12g. Các vị trên thêm 7 lát gừng và 1200 ml nước, sắc lọc bỏ bã lấy 120 ml. Ngày uống 1 thang chia đều 5 lần.

– Nếu bị viêm họng mà có các triệu chứng: Sốt không sợ lạnh lại sợ nóng, họng sưng đỏ, nóng, đau, cảm giác như đốt ở trong họng, người mệt mỏi, bồn chồn trong bụng, háo khát, tiểu tiện vàng, đại tiện táo, mạch hồng đại. Thì theo phương thanh tiết uất nhiệt. Với bài thuốc: “Lương cách tán”: chi tử, bạc hà diệp, hoàng cầm, liên kiều mỗi vị 10g; mang tiêu, đại hoàng, cam thảo mỗi vị 20g. Các vị trên (trừ mang tiêu, bạc hà diệp) sao giòn tán bột, trộn mang tiêu tán mịn tinh. Mỗi ngày uống 4 lần, mỗi lần 10 gr với nước trúc diệp, bạc hà diệp, hoặc mật ong. Trẻ em thì tuỳ tuổi mà cho liều lượng thích hợp.

Có nhiều bài thuốc Đông y khác trị chứng viêm họng, trong đó các vị thuốc trị bệnh liên quan đến họng và đường hô hấp như thăng ma, sơn đậu căn, cúc lục lăng, lược vàng được các thầy thuốc Đông y tin dùng.

Bên cạnh các bài thuốc lưu truyền hàng ngàn năm, hiện nay trên cơ sở kế thừa chọn lọc và tối ưu hóa cơ chế điều trị của Đông Y kết hợp với kiến thức, khoa học công nghệ hiện đại trong điều chế thuốc. Nhiều bài thuốc dành riêng cho người mắc viêm họng amidan và mạn tính đã được bào chế thành công giúp hàng ngàn người thoát khỏi nỗi ám ảnh do bệnh viêm họng, viêm amidan mang đến.