Muốn khắc phục hiệu quả bạn phải xác định được nguyên nhân đau họng.
Đau họng là triệu chứng thường gặp đối với các bệnh lý đường hô hấp. Dù không nguy hiểm đến tính mạng nhưng nếu không điều trị sớm có thể dẫn đến những biến chứng không mong muốn. Xác định được nguyên nhân sẽ giúp bạn tìm ra cách điều trị đau họng nhanh chóng và an toàn nhất. Để bảo vệ sức khỏe cho gia đình và chính bản thân, bạn nên biết những nguyên nhân và cách điều trị đau họng được các bác sĩ chuyên khoa chỉ ra dưới đây:
1. Nguyên nhân đau họng
Đau họng là một triệu chứng khá phổ biến khi giao mùa hay thời tiết thay đổi đột ngột chuyển từ nóng sang lạnh hoặc ngược lại. Đau họng có thể do nhiều nguyên nhân, dù dấu hiệu giống nhau nhưng cách điều trị lại có sự khác biệt.
Ở người lớn, đau họng thường là triệu chứng của các bệnh lý đường hô hấp trên như: viêm mũi họng, viêm amidan, hóc xương cá, loét họng miệng, các chấn thương niêm mạc họng hay nguy hiểm hơn như ung thư vùng hầu họng. Tuy nhiên đau họng kéo dài không chắc chắn có phải là triệu chứng khởi đầu của ung thư vùng hầu họng.
2. Điều trị đau họng tại nhà có cho hiệu quả tốt?
Hiện nay, trên mạng có rất nhiều thông tin về cách chữa đau họng không cần dùng thuốc, được nhiều người tìm kiếm và áp dụng. Tuy nhiên, những phương pháp chữa đau họng tại nhà này thật ra chỉ giúp cải thiện tình trạng bệnh ở một số đối tượng. Vì đa phần nguyên nhân đau họng là do viêm họng do virus nên việc vệ sinh khoang miệng, họng bằng nước muối sẽ giúp giảm triệu chứng. Nếu đau họng do virus và ở mức độ nhẹ, thì việc dùng những phương pháp dân gian có thể sẽ hiệu quả.
Nhưng với những người lớn tuổi, đặc biệt là nam giới trung niên hút thuốc lá, uống nhiều rượu bia mà bị đau họng thì việc áp dụng những phương pháp súc miệng bằng nước muối hay dùng mật ong… thường sẽ không có tác dụng. Bởi đau họng có thể là triệu chứng của ung thư hầu họng hay lưỡi, chính vì thế tốt nhất là người bệnh nên đến bệnh viện để được bác sĩ thăm khám và có hướng xử lý kịp thời.
3. Cách phòng ngừa đau họng
Để phòng ngừa đau họng thì chúng ta nên làm theo những lời khuyên dưới đây:
– Vệ sinh răng miệng hàng ngày nhất là sau khi ăn.
– Mang khẩu trang khi ra đường (tốt nhất là khẩu trang y tế) để tránh bụi bặm, khói xe, khí thải…
– Giữ vệ sinh để nhà cửa luôn sạch sẽ, thông thoáng.
– Giữ ấm cơ thể khi thời tiết thay đổi, nhất là vùng cổ, mũi, miệng, tai.
– Đảm bảo chế độ dinh dưỡng hàng ngày một cách hợp lý, cân đối, đầy đủ 4 nhóm dinh dưỡng. Tăng cường các loại thực phẩm giàu vitamin C như cam, chanh, kiwi… để nâng cao sức đề kháng của cơ thể.
– Súc miệng ngày 2-3 lần bằng nước muối ấm và nên hạn chế uống nước đá hoặc nước quá lạnh.
Còn với trẻ nhỏ, bố mẹ nên lưu ý:
– Giữ gìn vệ sinh cá nhân cho trẻ: Giúp trẻ tắm rửa, lau người thường xuyên. Đồng thời dạy bé cách tự giữ gìn vệ sinh cá nhân (rửa tay trước khi ăn, sau khi đi vệ sinh và sau khi cầm nắm các đồ vật bẩn…).
– Về dinh dưỡng: Cho trẻ ăn đa dạng các loại thức ăn (thịt, cá, trứng, rau, củ, quả…) và cân đối dựa trên tháp dinh dưỡng theo độ tuổi. Ngoài bữa chính, bạn có thể bổ sung các loại trái cây, các loại thức ăn lợi khuẩn và giàu vi khoáng giúp con tăng cường hệ miễn dịch.
– Tiêm chủng đầy đủ: Cho trẻ tiêm vắc xin đầy đủ, đúng lịch để cơ thể tự sản sinh ra các kháng thể chống lại các kháng nguyên gây bệnh.
Với những thông tin chia sẻ hữu ích của các bác sĩ ở trên hy vọng mọi người sẽ luôn có một sức khỏe thật tốt.