Ho được biết là một phản xạ sinh lý có tính bảo vệ cơ thể, nhằm tống ra khỏi đường hô hấp các chất dịch, đàm do phế quản hay phổi tiết ra hoặc các dị vật từ ngoài lọt vào có thể gây tắc đường thở. Ho cũng có thể là triệu chứng của một số rối loạn trong cơ thể phản ứng ra bên ngoài. Các chứng ho kéo dài dễ khiến người bệnh khó chịu, khổ sở và cần được điều trị kịp thời. Để điều trị hiệu quả chứng ho kéo dài, cần nhận biết các biểu hiện ho như sau:

1. Ho kéo dài về đêm

Người bệnh ban ngày có khi chỉ ho húng hắng, không có dấu hiệu của cúm hay viêm họng, nhưng khi ngủ trưa hoặc ban đêm lại bị ho, thậm chí ngứa họng phải khậm khoạc và ho dai dẳng, liên tục. Tình trạng này diễn ra thường xuyên sẽ ảnh hưởng đến giấc ngủ, khiến người bệnh khó chịu, mệt mỏi và dễ cáu kỉnh, hiệu suất làm việc sẽ bị ảnh hưởng. Ho về đêm ở người lớn có thể do các nguyên nhân như:

– Do hen suyễn: Hen là bệnh phổi mạn tính, khi đó đường thở trong phổi dễ bị viêm và sưng. Hầu hết những người bị hen suyễn đều có thể gặp phải các vấn đề về hô hấp như ho khan. Cho nên, dấu hiệu ho về đêm cũng có thể là triệu chứng ban đầu của bệnh hen suyễn. Cùng với tức ngực, khó thở ho là triệu chứng đặc trưng của bệnh hen thường tái đi tái lại và thường có xu hướng tăng nặng về đêm và sáng sớm, khi gắng sức hoặc gặp lạnh. Nhiễm lạnh, cảm cúm hoặc nhiễm trùng đường hô hấp có thể khiến bệnh hen xuyễn bùng phát, người bệnh cảm thấy khó thở, thở rít, ho tăng, khạc đờm tăng, nặng ngực…

– Do viêm xoang: Viêm xoang không cấp phát như viêm họng , đặc biệt ở thể nhẹ nó còn khó phát hiện hơn nữa. Khi bị viêm xoang, mũi thường bị viêm nhiễm, bị ngạt, các xoang bị viêm sẽ bị tắc do các dịch nhầy, các dịch này có thể chảy xuống họng gây kích ứng họng và dẫn đến ho. Vào ban ngày, các dịch nhầy này thường được người bệnh xì ra hoặc tự trôi xuống đường tiêu hóa. Nhưng về ban đêm, dịch nhầy dễ ứ lại cổ họng và gây ho. Chưa kể đến việc bị nghẹt mũi do viêm xoang khiến người bệnh khi ngủ thường phải thở bằng miệng, làm họng bị khô, rát và gây ho về đêm.

– Ho về đêm do trào ngược axit: Chứng trào ngược axit (hay còn gọi là GERD) là một bệnh thường gặp ở xã hội hiện đại cũng là nguyên nhân gây ho. Khi nằm, đường thực quản chuyển sang thế ngang, cho phép các chất axit gây khó tiêu và ợ nóng trong dạ dày chạy ngược lên, gây kích ứng họng, dẫn tới ho. Nếu nguyên nhân gây ho và khó chịu về ban đêm đã được xác định là do trào ngược axit dạ dày, thì hãy cố gắng ăn ít hơn vào bữa tối, khi ngủ nên gối cao đầu, việc trào ngược sẽ giảm đi và sẽ bớt ho. Nếu 2 biện pháp trên không giúp giảm bớt cơn ho thì bạn nên đi khám và điều trị, không để bệnh tiến triển ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống. Bên cạnh đó, mùa lạnh cần trang bị đầy đủ khăn ấm, khẩu trang… để phòng nhiễm lạnh gây ho.

– Ho gà (ho thành cơn): Ho nhiều lần kế tiếp nhau trong một thời gian ngắn, điển hình là dấu hiệu của ho gà – một bệnh do vi khuẩn: người bệnh ho liền một cơn sau đó hít một hơi dài và tiếp tục ho nữa. Cơn ho kéo dài thường gây tăng áp lực trong lồng ngực, gây ứ huyết tĩnh mạch chủ trên, làm cho người bệnh đỏ mặt, tĩnh mạch cổ phồng, cơn ho có thể làm chảy nước mắt, đôi khi còn gây ra phản xạ nôn nữa. Các triệu chứng thường thấy gồm sốt nhẹ, sổ mũi và ho dữ dội khiến việc hít thở trở nên khó khăn. Người bệnh có thể đau ê ẩm ngực, lưng và bụng do các cơ hô hấp co bóp quá mức. Sau giai đoạn khởi phát, nhiều người có thể không bị sốt nhưng ho có thể kéo dài nhiều tuần.

2. Ho khan kéo dài

Là tình trạng ho không khạc ra đờm, mặc dù người bệnh có thể ho nhiều. Theo nghiên cứu, ho không có đờm chủ yếu là do nguyên nhân bệnh lý và một số yếu tố từ môi trường bên ngoài.

– Đối với nguyên nhân do bệnh lý: Người bệnh có thể mắc các bệnh phổi tắc nghẽn, bệnh trào ngược dạ dày, viêm phế quản cấp tính, bệnh của thanh quản, viêm tai, viêm xương chũm mạn tính và một số những biến chứng về đường hô hấp khác.

– Ho khan kéo dài còn do các bệnh tổ chức kẽ của phổi như xơ phổi, phù phổi bán cấp, ung thư phổi hoặc lao kê hoặc do tràn dịch màng phổi. Ho kéo dài cũng có thể do một số chất độc gây kích thích trực tiếp do cơ chế miễn dịch dị ứng (hen). Ho khan kéo dài còn do tác dụng phụ của một số thuốc chữa bệnh, nhất là thuốc điều trị bệnh tăng huyết áp (coversyl).

– Ngoài ra, ho khan còn đến từ sự thay đổi khí hậu, môi trường xung quanh. Nếu bạn thường xuyên sống trong môi trường không khí bị ô nhiễm, nhiều khói độc hại rất dễ mắc ho khan và ho có đờm.

3. Ho có đờm

Là tình trạng người bệnh bị ho, cảm thấy nặng ngực và ho thường khạc ra chất nhầy và đờm (là chất tiết của đường hô hấp gồm có chất nhầy, hồng cầu, bạch cầu mủ và các chất độc hại xâm nhập vào đường hô hấp trên).

Ho có đờm đa số nguyên nhân là do viêm phế quản mạn tính, cũng có khi là triệu chứng ho sau khi viêm họng, viêm mũi và viêm xoang… Bệnh nhân có cảm giác nghẹt thở và khó thở, mệt lả. Các triệu chứng thường tăng lên khi đi bộ và nói chuyện. Ho khạc đờm nhiều kèm theo bội nhiễm luôn phải chú ý đến những bệnh ở đường hô hấp như ung thư họng – thanh quản, thực quản, khí quản… ápxe phổi, nhồi máu phổi, viêm phổi, hen phế quản, giãn phế quản, khí phế thũng, bệnh viêm phổi tắc nghẽn mạn tính…
Ho có đờm có thể là biểu hiện của bệnh cấp tính hoặc mạn tính. Thường nếu ho và có đờm kéo dài trên 3 tuần là bệnh mạn tính.

4. Ho ra máu

Là tình trạng ho, khạc thấy máu xuất hiện kèm theo đờm. Ho ra máu thường là triệu chứng của bệnh chứ không phải là bệnh. Nó có nhiều mức độ từ nhẹ đến nặng. Một số triệu chứng khác thường đi kèm với ho ra máu, chẳng hạn như: tức ngực, chóng mặt, sốt, đau đầu, khó thở… Đó có thể là một dấu hiệu của các bệnh viêm phổi cấp và mạn tính, ung thư phổi… Ho ra máu có thể xảy ra đột ngột trong lúc người bệnh cảm thấy khỏe mạnh hoặc sau khi hoạt động mạnh… Có rất nhiều tình trạng bệnh lý có thể khiến bạn ho ra máu như: kích thích họng do ho quá nhiều, bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính. Các nguyên nhân khác bao gồm: bệnh lao đang tiến triển (nếu kèm ho kéo dài, sốt nhẹ, sút cân thì càng chắc chắn), ung thư phổi, giãn phế quản, thuyên tắc động mạch phổi…

Lời khuyên từ thầy thuốc

Ho có thể chỉ là một triệu chứng gây khó chịu, nhưng cũng có thể là biểu hiện của một bệnh lý nghiêm trọng, đặc biệt là ở trẻ em và người cao tuổi. Nên cẩn trọng khi ho có kèm theo sốt, khó thở, tím tái, ho kéo dài, suy kiệt…

Người bệnh bị ho trên 5 ngày, bất luận là tình trạng ho thế nào thì cũng cần đi khám ngay. Nếu ho kéo dài trên 3 tuần, điều trị bằng thuốc không giảm, có kèm theo sốt, khạc ra đờm xanh, nâu gỉ, vàng, ho ra máu, thở nông hoặc đau ngực khi ho có thể là dấu hiệu của một số bệnh lý nguy hiểm.

Với chứng ho cụ thể là ho kéo dài, điều quan trọng nhất là phải phòng bệnh, nhất là vào những ngày lạnh. Mọi người cần năng luyện tập thể dục thể thao, ăn uống hợp lý, tạo môi trường sống trong sạch – đó mới là biện pháp phòng bệnh lâu dài.