Viêm phế quản là tình trạng viêm ống phế quản ở phổi. Viêm phế quản có thể ở dạng cấp tính hoặc mạn tính và đều cần được điều trị bởi thầy thuốc thăm khám và kê đơn. Còn tại nhà, người bệnh có thể áp dụng các biện pháp hỗ trợ dưới đây để bệnh nhanh thuyên giảm.
1. Ngủ đủ giấc
Nhiễm trùng và ho dai dẳng đi kèm có thể gây ra tình trạng mệt mỏi quá mức ở người bị viêm phế quản. Trong khi đó giấc ngủ có thể làm tăng hệ thống miễn dịch và giúp phục hồi sau nhiễm trùng. Trong giấc ngủ, cơ thể sẽ sửa chữa mô tổn thương và tạo mô mới, giải phóng hormon quan trọng và nạp năng lượng mới.
Người bệnh viêm phế quản khi ngủ nên kê cao đầu để giúp thở dễ dàng hơn, không bị ứ đọng đờm. Người lớn cần ngủ 7-8 giờ mỗi ngày và trẻ em khoảng 10-12 giờ mỗi ngày.
2. Uống đủ nước
Người mắc viêm phế quản có thể bị mất nước do sốt, thở nhanh, chảy nước mũi, nôn mửa và tiêu chảy. Mất nước có thể dẫn đến chóng mặt, nhức đầu và khó chịu ở miệng, cổ họng. Uống đủ nước vừa giúp cho cơ thể không bị mất nước. Lại làm loãng đờm, dịch tiết lỏng và dễ dàng khạc nhổ ra hơn. Làm ẩm cổ họng tránh cảm giác khô rát. Có thể uống nước lọc, nước khoáng, nước trái cây, trà thảo dược, súp và nước canh.
3. Làm ẩm không khí
Độ ẩm thấp và nhiệt độ thấp đã được chứng minh có liên quan với sự gia tăng nhiễm khuẩn đường hô hấp. Độ ẩm thấp cũng có thể gây kích ứng mũi họng.
Dùng máy làm ẩm không khí để không khí nóng – ẩm, người bệnh hít vào có thể giúp làm lỏng chất nhầy, tạo điều kiện cho nó thoát ra. Tuy nhiên, sử dụng máy làm ẩm phải bảo đảm rằng thiết bị được duy trì đúng cách và độ ẩm được theo dõi thường xuyên. Chất làm ẩm không đảm bảo vệ sinh là nơi sản sinh nấm mốc hoặc vi khuẩn. Độ ẩm quá cao cũng có thể gây ra các vấn đề hô hấp, dị ứng và hen suyễn.
Nếu trong nhà không có máy làm ẩm thì bạn có thể làm tăng ẩm trong không khí bằng cách đun sôi nước trên bếp trong 5 phút mỗi giờ. Và xông mũi họng bằng cách thêm vài giọt tinh dầu bạc hà hoặc bạch đàn vào cốc nước sôi trong vài phút để làm giảm các triệu chứng.
4. Tránh khói thuốc lá trực tiếp và gián tiếp
Hút thuốc là nguyên nhân hàng đầu gây ra viêm phế quản phổi mạn tính. Bỏ thuốc lá và tránh hít khói thuốc gián tiếp có thể cải thiện chất lượng cuộc sống của người bệnh. Vừa giúp giảm triệu chứng, giúp bệnh thuyên giảm nhanh hơn.
Người bệnh cũng nên tránh xa các chất kích thích có thể gây viêm phế quản như: bụi, hóa chất trong sản phẩm gia đình và ô nhiễm không khí. Bộ lọc trong hệ thống điều hòa không khí và sưởi ấm nên được thay định kỳ theo khuyến cáo của nhà sản xuất.
5. Chế độ ăn uống lành mạnh
Để giảm bớt các triệu chứng của viêm phế quản và kiểm soát tình trạng bệnh, nên có một chế độ dinh dưỡng phù hợp cho người bệnh.
Chế độ ăn uống lành mạnh bao gồm trái cây, rau củ và ngũ cốc nguyên hạt cũng như thịt nạc, gia cầm, cá, đậu, trứng và các loại hạt. Nó cũng bao gồm các sản phẩm bơ sữa không có chất béo hoặc ít chất béo và hạn chế các chất béo bão hòa, cholesterol, muối và đường.
Một chế độ ăn uống lành mạnh giúp tăng cường hệ miễn dịch. Và ngược lại, một chế độ ăn uống không khoa học có thể dẫn đến chức năng miễn dịch bị suy giảm.
6. Điều trị giảm đau
Dùng một số thuốc không cần kê đơn như: acetaminophen, hoặc ibuprofen có thể giúp làm giảm các triệu chứng của viêm phế quản, như sốt, nhức đầu, đau nhức.
Không được dùng aspirin cho trẻ em và thanh thiếu niên (nguy cơ mắc hội chứng Reye), trừ trường hợp có chỉ định của bác sĩ.
Các thuốc kháng viêm không steroid (NSAIDs), như aspirin và ibuprofen nên tránh vì có thể gây nguy hiểm cho người bị hen suyễn.
7. Hạn chế sử dụng các loại thuốc giảm ho không kê toa
Ho kéo dài khiến người ta có xu hướng lạm dụng các loại thuốc giảm ho. Thay vì dùng thuốc, hãy uống mật ong và trà chanh hoặc thử các biện pháp thảo dược dân gian vừa hiệu quả mà lại ít gây tác dụng phụ.
8. Làm dịu cơn đau họng
Triệu chứng phổ biến của viêm phế quản là đau họng. Có nhiều cách để làm dịu đau họng bao gồm: Súc họng bằng nước muối sinh lý, uống nước mát hoặc nóng, ăn thức ăn mát và mềm, sử dụng thuốc ngậm làm dịu họng…
Viêm phế quản cấp tính thường sẽ kéo dài đến 3 tuần. Trong thời gian này người bệnh cần uống thuốc theo chỉ định điều trị của bác sĩ cộng thêm các biện pháp chăm sóc tại nhà. Nhưng nếu thấy các dấu hiệu: Ho nhiều và kéo dài hơn 3 tuần, chất nhầy có máu, thở nhanh hoặc đau ngực, buồn ngủ và lú lẫn. Sốt hơn 3 ngày liên tục… thì có thể tình trạng bệnh đã nghiêm trọng hơn.
Lúc này cần quay lại khám để bác sĩ xác định lại tình trạng bệnh và có hướng xử lý đúng.