Viêm phế quản phổi là một bệnh hô hấp đặc biệt nguy hiểm thường gặp ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ. Viêm phế quản phổi là tổn thương cấp diễn, lan toả cả phế nang, mô kẽ lẫn phế quản. Nguyên nhân khởi đầu thường là do virus, sau đó bội nhiễm do vi khuẩn hoặc cả hai.
Các triệu chứng của viêm phế quản phổi dễ bị nhầm lẫn với triệu chứng của các bệnh hô hấp khác như ho, viêm họng… nên người bệnh chưa được chăm sóc đúng cách và xử lý kịp thời.
Bài viết sau đây xin chia sẻ cùng bạn đọc những kiến thức về bệnh viêm phế quản phổi: nguyên nhân và những triệu chứng thường gặp của bệnh.
1. Nguyên nhân gây viêm phế quản phổi
– Virus là nguyên nhân hàng đầu gây bệnh viêm phế quản phổi: Bệnh thưởng thấy sau khi người bệnh bị mắc các bệnh đường hô hấp trên như: cảm lạnh, ho, sổ mũi, viêm xoang hoặc cúm. Bệnh thường xuất hiện những triệu chứng như ho khan, ho có đờm, sốt, đau họng. Thở mệt do đường thở vị viêm, tiết dịch cũng là dấu hiệu cảnh báo bệnh viêm phế quản phổi.
Các loại virus hợp bào cúm, virus sởi, adenovirus… là những thủ phạm gây bệnh thường gặp nhất. Những virus này có sẵn trong đường hô hấp (ở mũi và họng), khi sức đề kháng yếu chúng dễ bùng phát và lan tràn theo đường phế quản, gây ra những tổn thương cho nhu môi phổi.
– Vi khuẩn: Ngoài virus thì vi khuẩn là yếu tố thứ 2 gây ra bệnh viêm phế quản phổi. Trong đó các loại vi khuẩn thường gặp là: phế cầu, liên cầu, Haemophilus influenzae, E.coli…
– Nấm: Các loại nấm gây bệnh cho phổi thường gặp nhất là: nấm Candida albicans, Aspergillus…
– Khói thuốc lá: Những người hút thuốc hoặc những người thường xuyên hít phải khói thuốc đều có nguy cơ cao mắc cả hai chứng viêm phế quản cấp tính và mãn tính. Trẻ em trong các gia đình có người hút thuốc lá cũng dễ bị viêm phế phế quản.
– Tiếp xúc với các chất kích thích thường xuyên: Nếu làm việc trong môi trường có nhiều chất kích ứng nhất định như hàng dệt, khói bụi, hóa chất từ amoniac, axit mạnh, clo, sulfua hydro, khí lưu huỳnh hoặc brôm… Có nguy cơ phát triển thành viêm phế quản phổi.
– Sức đề kháng thấp: Điều này có thể là kết quả của một bệnh cấp tính như cảm lạnh hoặc từ một tình trạng mãn tính của hệ thống miễn dịch. Người lớn tuổi, trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ có nguy cơ lớn bị nhiễm trùng phổi.
– Trào ngược dạ dày thực quản: Axit dạ dày liên tục trào ngược vào thực quản có thể gây ra ho mãn tính rồi từ đó gây ra viêm phế quản phổi.
2. Triệu chứng viêm phế quản phổi
* Khi bị viêm phế quản phổi người bệnh thường trải qua 2 giai đoạn phát triển của bệnh, với những triệu chứng khác nhau. Trong đó giai đoạn khởi phát có 2 triệu chứng chính là: khởi phát từ từ và khởi phát đột ngột.
– Khởi phát từ từ: Ở giai đoạn này các triệu chứng của bệnh thường không biểu hiện rõ rết và khó phát hiện, dẫn đến dễ bị nhầm lần với các bệnh hô hấp khác. Các triệu chứng được ghi nhận ở người bệnh là: sốt nhẹ, ho khan, ngạt mũi, hắt hơi…
– Khởi phát đột ngột: Ở giai đoạn này các triệu chứng của viêm phế quản phổi trở nên rõ nét hơn. Biểu hiện thường thấy là: sốt cao, khó thở, tím tái… Bên cạnh đó ở người bệnh còn xuất hiện hiện tượng rối loạn tiêu hóa, chán ăn, tiêu chảy…
* Giai đoạn toàn phát: Kết thúc giai đoạn khởi phát nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời bệnh sẽ chuyển qua giai đoạn toàn phát với những triệu chứng đặc biệt nguy hiểm như: sốt cao (có thể lến tới 40°C, thậm chí có thể gây hôn mê, co giật nếu không được hạ sốt kịp thời). Có những biểu hiện như: ho dữ dội, chảy nước mũi, khó thở, tím tái…
Ngoài ra, người bệnh còn có các biểu hiện toàn thân khác như: rối loạn tiêu hóa, chán ăn, nôn chớ, tiêu chảy…