Vào thời điểm chuyển mùa, số người đến khám và điều trị các bệnh lý về họng tăng cao, trong đó số ca mắc viêm họng mạn tính chiếm một tỷ lệ không nhỏ.

1. Nguyên nhân gây bệnh viêm họng mạn tính

Với các triệu chứng thường gặp như các cảm giác ngứa, vướng, nhói trong họng rất giống với triệu chứng của nhiều bệnh khác, từ chứng cảm cúm thông thường cho đến các bệnh nguy hiểm như ung thư vòm họng. Vì thế, bệnh viêm họng mạn tính ít khi được phát hiện sớm và điều trị kịp thời.

Viêm họng mạn tính được chia thành 3 loại: viêm họng mạn tính xuất huyết, viêm họng mạn tính quá phát, viêm họng teo. Có rất nhiều nguyên nhân gây ra bệnh viêm họng mạn tính, ví dụ như:

Các bệnh viêm mũi xoang

Viêm mũi dị ứng, viêm xoang… thường khiến cho người bệnh bị nghẹt mũi và hay phải thở bằng miệng. Do thiếu độ ấm trong khi độ ẩm lại quá nhiều, tạo điều kiện thuận lợi cho khí lạnh và vi khuẩn, virus xâm nhập và sinh sôi gây bệnh viêm họng mạn tính. Bên cạnh đó dịch nhày chảy từ trên khoang mũi xuống họng cũng rất dễ gây viêm nhiễm.

Ô nhiễm môi trường

Khói thuốc lá, khói xe, bụi… rất dễ khiến cho hệ thống hô hấp của chúng ta bị kích thích, gây ra phản ứng ho và sổ mũi, tắc mũi. Cùng với đó, nếu bạn thường xuyên tiếp xúc với các hóa chất độc hại do tính chất công việc thì cũng rất dễ bị viêm họng mạn tính.

Dị ứng

Một số nghiên cứu cũng chỉ ra rằng, các tác nhân đến từ bên ngoài như phấn hoa, nấm mốc, các hương liệu có mùi thơm nồng hoặc quá hắc có thể gây kích thích sự mẫn cảm của hệ thống mũi, xoang từ đó gây ra chứng viêm họng.

Người bị viêm họng mãn tính thường có cảm giác khô, rát, ngứa họng, nuốt nước bọt thấy vướng, hơi nghẹn, xuất tiết nhiều đờm, người bệnh phải khạc, nhổ liên tục. Nếu là do viêm xoang, dịch mủ thường xuyên chảy xuống họng gây cảm giác khó chịu. Người bệnh ho nhiều, ho khan nhất là vào sáng sớm và khi bị lạnh cổ hoặc uống nước lạnh (kem hoặc nước lạnh, bia lạnh). Sáng sớm, lúc mới ngủ dậy có thể giọng nói hơi bị khàn, sau đó trở lại bình thường. Bệnh nhân không thể nói trong thời gian dài, hoặc nói nhiều cảm thấy ngứa họng, giọng nói thay đổi, khó nghe.

Nếu một người đang mắc bệnh viêm họng mãn tính đã ổn định mà hít phải các chất độc hại có tính chất thường xuyên như bụi (bụi đường, bụi công nghiệp) trong đó có các chất hóa học, chất hữu cơ), khói bếp, khói thuốc và các chất độc hại khác, nguy cơ bệnh tái phát rất cao. viêm họng mãn tính tái phát và nặng thêm cũng có thể do người bệnh mắc thêm một số bệnh như trào ngược dạ dày – thực quản, dị ứng, hen suyễn. Viêm họng mãn tính có thể dẫn đến viêm thanh quản, khí, phế quản, viêm xoang, viêm amiđan. Người bệnh mệt mỏi, mất ngủ (do ho, khạc nhổ vào ban đêm), ăn uống kém dẫn đến suy nhược cơ thể.

Tuy nhiên, viêm họng mạn tính là một bệnh hoàn toàn có thể chữa khỏi. Nhưng nếu không phát hiện đúng nguyên nhân gây bệnh và điều trị kịp thời, nó có thể đưa người bệnh đến các biến chứng khác như viêm thanh quản mạn, viêm khí quản mạn, hay các đợt viêm cấp như viêm amidan, áp xe amidan… Một số trường hợp nặng có thể phải thực hiện phẫu thuật họng.


2. Giải pháp khi phải sống chung với bệnh

Bệnh viêm họng mạn tính cũng là một yếu tố dễ gây suy nhược cơ thể, suy nhược thần kinh do luôn phải khạc nhổ vì cảm giác vướng họng. Đặc biệt là mỗi lúc thời tiết chuyển lạnh, bệnh thường tái phát và trở nặng hơn. Cảm giác khó chịu, mệt mỏi, kèm theo ho, thậm chí sốt nhẹ.

Việc sống chung với bệnh viêm họng mạn tính không hề dễ dàng. Bệnh cần được điều trị bằng thuốc kháng viêm, tiêu đờm giảm ho. Bên cạnh phác đồ điều trị của bác sĩ, bạn nên bổ sung đầy đủ các chất dinh dưỡng, đặc biệt là các thực phẩm giàu vitamin C và tăng cường các hoạt động thể chất để nâng cao sức đề kháng của cơ thể. Thêm vào đó, bạn cũng nên thường xuyên vệ sinh mũi họng bằng nước muối ấm hoặc ngậm vài lát chanh tẩm mật ong để kháng khuẩn và sát trùng cho họng.


3. Lời khuyên của thầy thuốc?

Để điều trị viêm họng mãn tính có hiệu quả, cần tìm đúng nguyên nhân gây bệnh (vi khuẩn, nấm). Nếu bị viêm tai, mũi, xoang… phải điều trị tích cực. Người bệnh viêm họng mãn tính cần đi khám bệnh định kỳ hoặc theo lời dặn của bác sĩ để chữa trị dứt điểm, không nên chủ quan và không nên tự mua thuốc để điều trị, bởi vì làm như vậy bệnh không những không khỏi mà đôi khi còn nặng thêm.

Để phòng bệnh viêm họng mãn tính và tránh tái phát, cần vệ sinh đường hô hấp trên hàng ngày thật tốt; thường xuyên như súc họng bằng nước muối nhạt, đánh răng sau khi ăn, trước và sau khi ngủ dậy. Trẻ em cũng cần được vệ sinh họng, miệng ngay từ lúc còn nhỏ để phòng tránh mắc bệnh về đường hô hấp trên như viêm VA, viêm họng, viêm amiđan, viêm mũi… Giữ ấm cơ thể tránh bị cảm lạnh.

Khi đã mắc bệnh đường hô hấp trên, cần được điều trị dứt điểm ngay từ đầu không để bệnh trở thành mạn tính. Cần bỏ một số thói quen không tốt như hút thuốc lá, uống rượu bia nhiều, ăn thức ăn quá cay hoặc nóng; không sử dụng đồ uống, đồ ăn vừa được lấy ra từ tủ lạnh muốn dùng phải hâm nóng lại. Mỗi khi đi ra ngoài nên đeo khẩu trang nhằm hạn chế hít phải bụi và khí thải độc hại. Nên có chế độ ăn uống khoa học, tập thể dục đều đặn để tăng cường sức đề kháng cho cơ thể.