Viêm họng là một bệnh hô hấp vô cùng phổ biến và thường gặp ở trẻ nhỏ. Đa số các trường hợp viêm họng cấp là lành tính nhưng chúng ta không nên mất cảnh giác trước những biến chứng nguy hiểm của của viêm họng cấp nhất là ở trẻ nhỏ.

Viêm họng được chia làm hai loại: Cấp tính và mãn tính. Viêm họng cấp chiếm đa số và thường chúng ta có tâm lý chủ quan với căn bệnh này vì nó quá phổ biến. Nhưng chúng ta nên cố gắng chữa viêm họng cho trẻ một cách triệt để nhằm tránh các biến chứng nguy hiểm.

Biến chứng do viêm họng cấp ở trẻ em

1. Sốt cao co giật

– Dấu hiệu: Hội chứng sốt cao, sốt từ 40-42 độ C, đặc biệt thường xảy ra ở nhũ nhi và trẻ nhỏ, tuổi càng nhỏ mà sốt cao càng hay co giật. Đây là một trạng thái cần cấp cứu ngay, sự chậm trễ sẽ ảnh hưởng lớn đến sinh mạng cũng như gây những di chứng nặng nề đối với trẻ sau này.

Bệnh cảnh xuất hiện nhanh và trầm trọng với các triệu chứng chính như: sốt cao, rét run, đặc biệt có kèm truỵ tim mạch, mê man co giật, có thể kèm suy thận.

– Xử trí: Cần cởi bớt quần áo cho trẻ thoáng hơi, phòng ở phải thoáng khí, cho trẻ nằm nơi kín đáo, nếu thấy trẻ vã mồ hôi cần phải tránh gió lùa đề phòng bị nhiễm lạnh.

Cho trẻ uống nước liên tục, nên dùng dung dịch oresol (ORS) để bù nước và điện giải mất đi do sốt cao. Pha 1 gói ORS với 1 lít nước đun sôi để nguội, nếu không có ORS thì có thể dùng các dung dịch như nước gạo rang, nước dừa hay nước cháo loãng thêm xíu muối…

Chườm nước mát lên trái, lên thái dương trẻ, thỉnh thoảng dùng khăn bông nhúng nước ấm vắt khô, lau người cho trẻ để hạ nhiệt.

Cần dùng thuốc hạ sốt khi trẻ sốt trên 38,5 độ C. Thuốc hạ sốt được khuyên dùng là paracetamol: 5mg/kg/lần, 3 – 4 lần/ngày. Kết hợp với thuốc an thần để phòng chống cơn co giật, thuốc hay dùng là diazepam: 0,5 – 1mg/kg/lần, 3 – 4 lần/ ngày. Hai thuốc trên có thể uống hoặc đặt hậu môn.

2. Nhiễm khuẩn huyết do viêm họng cấp

Các trường hợp viêm họng cấp do vi khuẩn hay gặp là liên cầu, phế cầu, tụ cầu hay do các vi khuẩn yếm khí… Những vi khuẩn này có thể vượt khuôn khổ tại họng và đi xa hơn, gây các biến chứng như nhiễm khuẩn huyết, viêm thận, viêm khớp, viêm màng ngoài tim… Nó đặc biệt nguy hiểm với trẻ em.

Hội chứng nhiễm khuẩn huyết điển hình gồm 3 dấu hiệu sau:

– Dấu hiệu tại họng: Nơi xuất phát điểm có một ổ viêm như viêm họng, viêm amidan cấp hoặc viêm tấy cấp tính quanh amidan.

– Dấu hiệu của nhiễm khuẩn huyết: Đặc điểm của bệnh là khởi phát nhanh và mạnh. Sau đợt viêm họng cấp từ 7 – 15 ngày, đột nhiên bệnh nhân sốt trở lại, sốt cao 40 – 41 độ C, rét run, tim đập nhanh, vã mồ hôi, huyết áp tụt, sốt liên tục, toàn thân suy sụp nhanh có kèm thêm các rối loạn tiêu hóa (nôn, buồn nôn, đau bụng…), lách sưng đau, nước tiểu ít.

– Dấu hiệu nhiễm khuẩn huyết có mủ di căn tới các phủ tạng gây viêm như phổi, lách, gan, khớp, tim, thận…

Xử trí: Để điều trị viêm họng hiệu quả cần cấy máu xác định bệnh. Tìm ổ nhiễm khuẩn tiên phát đặc biệt là viêm họng cấp do liên cầu như quệt họng để xét nghiệm vi khuẩn.

Làm kháng sinh đồ để điều trị theo kháng sinh đồ càng sớm càng tốt. Dùng kháng sinh mạnh kéo dài trong 15 ngày cả khi bệnh nhân đã giảm sốt.

Để dự phòng các biến chứng cần cắt amidan nếu tiền sử đã nhiều lần viêm họng cấp tái diễn, đặc biệt nếu đã có biến chứng áp-xe viêm tấy, không nên đợi đến khi xảy ra tai biến nhiễm khuẩn huyết rồi mới xử trí cắt amidan.