Trong hốc mũi có một lớp niêm mạc thuộc đường hô hấp, bề mặt được bao phủ lớp thảm nhầy có chức năng bảo vệ có tác dụng giữ bụi bẩn, vi khuẩn…

Khi lớp niêm mạc này bị kích thích bởi thời tiết, hóa chất, viêm nhiễm, dị vật, các khối u lành hoặc ác tính… làm cho các tuyến chế tiết nằm trong lớp biểu mô tăng sản xuất dịch tiết nhiều hơn mức độ bình thường. Khi ấy, dịch mũi có thể chảy xuống cổ họng, tràn ra khỏi khoang mũi từ đó gây ra hiện tượng chảy nước mũi hay sổ mũi.

Hiện tượng chảy nước mũi có thể tự hết nhưng cũng có thể để lại những biến chứng do không điều trị kịp thời như viêm xoang, viêm tắc vòi tai, viêm họng, viêm thanh khí phế quản…

1. Những nguyên nhân khiến trẻ bị sổ mũi

*Trẻ bị cảm lạnh

Nguyên nhân đầu tiên có thể kể đến là loại virus thông thường gây ra cảm lạnh. Nếu bé bị cảm, mũi của bé sẽ sản xuất dịch mũi để chống lại sự xâm nhập của vi khuẩn vào phổi. Khi ấy, dịch mũi có thể chảy xuống cổ họng, tràn ra khỏi khoang mũi nên khiến bé bị chảy nước mũi hay sổ mũi, có thể kèm theo sốt, ho.

* Trẻ bị viêm mũi

Trường hợp này, bé bị chảy nước mũi mà không kèm theo dấu hiệu sốt, cảm hoặc cũng không phải là thời điểm sau khi bé khóc, bạn nên đưa bé đi khám:

– Nếu là viêm mũi nhẹ: Trẻ có thể không cần uống thuốc, bạn chỉ cần chú ý giữ sức khỏe và đề phòng những dấu hiệu dị ứng ở bé. Vệ sinh mũi cho bé bằng dung dịch nhỏ mũi dành cho bé khoảng 1-2 lần/ngày. Cùng với việc hút mũi cho bé thường xuyên, bạn cũng có thể dùng tăm bông để vệ sinh mũi cho bé hàng ngày. Tuy nhiên, trước khi dùng tăm bông lau mũi cho bé, hãy nhúng đầu tăm bông vào một chén nước ấm. Vì nếu tăm bông bị khô, khi đưa vào khoang mũi, những hạt bụi nhỏ li ti xuất hiện trên bề mặt tăm bông có thể bám vào khoang mũi, khiến bé dễ bị viêm hơn.

– Nếu bị viêm mũi nặng: Trẻ có thể phải uống thuốc và tiêm thuốc theo chỉ dẫn của bác sĩ. Trường hợp này, bạn nên lưu ý, vì nếu bị viêm mũi nặng, trẻ có thể kèm theo dấu hiệu ho, viêm phổi…

* Do thay đổi thời tiết

Nhất là khi trời lạnh, mũi của trẻ sẽ phản ứng lại với không khí lạnh bên ngoài trước khi luồng không khí này xâm nhập vào phổi. Những mạch máu nhỏ bên trong lỗ mũi bị kích thích và sẽ giãn nở, để sưởi ấm luồng khí lạnh bên ngoài khi trẻ hít vào. Sự giãn nở của những mạch máu trong khoang mũi khiến mũi sản xuất nhiều dịch hơn, kết quả là bé sẽ bị sổ mũi.

Với trường hợp này, bạn hãy giữ ấm vùng chân, tay, đầu cho bé nhưng không nên quấn bé quá chặt, dễ làm gia tăng tình trạng đổ mồ hôi. Tránh rửa mặt mũi, tay chân hoặc tắm cho bé bằng nước lạnh.

* Trẻ bị dị ứng

Trẻ bắt đầu xuất hiện dấu hiệu chảy nước mũi sau khi tiếp xúc với những tác nhân gây dị ứng như phấn hoa hoặc lông động vật (đây là cách cơ thể bé phản ứng lại với những thứ nguy hiểm như vi khuẩn).
Nếu tình trạng dị ứng của bé nghiêm trọng, bạn nên đưa bé đi khám, bác sĩ có thể kê cho bé một số thuốc chống dị ứng hiệu quả.

* Sau khi trẻ khóc

Khi khóc, nước mắt của trẻ chảy ra từ tuyến lệ (dưới mí mắt), dẫn tới khoang mũi. Nước mắt kết hợp với chất dịch ở đây sẽ khiến bé bị chảy nước mũi.

2. Biến chứng có thể gặp nếu trẻ bị sổ mũi

Nhiều cha mẹ vẫn cho rằng trẻ nhỏ sổ mũi là chuyện bình thường. Tuy nhiên nếu không tìm hiểu nguyên nhân và điều trị triệt để có thể khiến bé mắc phải một số bệnh lý nguy hiểm và mãn tính: Trẻ bị sổ mũi nhẹ khiến trẻ ngạt mũi, khó thở, nhiễm trùng khoang mũi. Khi mũi bị viêm nhiễm có dẫn đến viêm phế quản, viêm phổi, viêm đường hô hấp và viêm xoang. Các bệnh này đều rất khó chữa và ảnh hưởng đến sức khỏe của trẻ.

3. Cách xử trí khi bé bị sổ mũi

* Biện pháp xử trí ban đầu tại nhà khi bé bị sổ mũi

– Nếu nước mũi chảy ra trước có màu trắng trong, bạn chỉ cần nhỏ nước muối 0,9% ngày 4-5 lần, mỗi bên mũi 3-4 giọt.

Thao tác nhỏ mũi cho trẻ đúng cách:

+ Đặt bé nằm ngửa, đầu ngửa nhẹ ra sau.

+ Nhỏ nước muối sinh lý ấm vào mỗi bên mũi. Trẻ dưới 1 tuổi nhỏ 2 – 3 giọt, trẻ lớn hơn nhỏ 4 – 5 giọt.

+ Để khoảng 30s cho nước muối thấm vào làm loãng đàm nhớt trong hốc mũi.

+Làm sạch hốc mũi: Nếu trẻ lớn biết xì mũi thì cho bé ngồi dậy và xì mũi ra khăn sạch. Nếu trẻ nhỏ chưa biết xì mũi thì dùng bóng hút hút đàm nhớt trong hốc mũi. Bóp xẹp bóng hút, đưa đầu hút vào trong cửa mũi, lấy tay bít mũi bên kia rồi đột ngột buông bóng phình ra, khi đó chất đàm nhớt trong hốc mũi sẽ được hút vào trong bóng hút. Bóp mạnh bóng hút mũi để đàm nhớt trong bóng xì vào cái khăn hoặc miếng giấy. Lập lại thao tác cho đến khi cả hai hốc mũi hết đàm nhớt. Bóng hút được làm sạch bằng cách hút xả nhiều lần dưới vòi nước.

Có thể thực hiện việc nhỏ mũi và hút mũi mỗi ngày 4 lần cho đến khi bé không còn dấu hiệu của nghẹt mũi. Cũng có thể thực hiện nhiều lần trong ngày khi bé có dấu hiệu nghẹt mũi và tình trạng tiết nước mũi nhiều.

– Loại bỏ các chất nhầy đóng thành vảy cứng xung quanh lỗ mũi bé: Mẹ hãy dùng miếng bông cotton hoặc khăn giấy cho vào nước ấm rồi lau nhẹ những vùng đó đến khi các mảng bám mềm ra và lấy đi dễ dàng.

– Làm ẩm không khí: Hãy đặt máy làm ẩm không khí, máy phun sương vào trong phòng ngủ của trẻ để tăng độ ẩm trong không khí giúp trẻ thở dễ dàng hơn.

– Kê đầu bé cao hơn khi ngủ: Cố gắng nâng cao đầu trẻ khi ngủ bằng cách sử dụng đệm cho trẻ em hoặc nâng đầu trẻ khi bế. Không nên sử dụng gối trong nôi, đặc biệt là gối mềm vì có thể khiến bé bị ngạt khi trở mình – đây cũng là một trong những nguyên nhân dẫn đến chứng đột tử ở trẻ sơ sinh.

– Vỗ nhẹ lưng bé: Khi trẻ bị sổ mũi, bạn hãy đặt trẻ nằm sấp trên đầu gối hoặc đùi mình, nghiêng người về phía trước 30 độ, bàn tay nắm lại vỗ nhẹ nhàng trên lưng bé. Cách này có thể làm lỏng chất nhầy giúp trẻ dễ thở hơn.

* Khi nước mũi của trẻ chuyển sang màu vàng xanh

Lúc này trẻ cần phải được thăm khám bởi thầy thuốc tai mũi họng để xác định chính xác mức độ, nguyên nhân gây bệnh giúp cho việc dùng thuốc an toàn và hợp lý.