Thời tiết giao mùa khiến nhiều trẻ nhỏ và cả người lớn bị ho gió, ho khan, cảm lạnh, cảm cúm… Phần lớn chúng ta khi bị ho thường nghĩ uống kháng sinh cho mau khỏi. Nhưng sự thật là không phải cứ ho là uống kháng sinh, thậm chí kháng sinh còn có hại nhất là với đối tượng trẻ nhỏ và phụ nữ đang mang thai.
Và loại đồ uống thay thế kháng sinh được các bác sĩ chuyên khoa khuyên dùng trong trường hợp này là siro. Những loại Siro như: quất chưng mật ong, quất chưng đường phèn rất tốt để chữa những chứng ho khi mùa đông đến.
1. Lý do các bác sĩ khuyến khích dùng siro cho trẻ
Thời tiết lạnh giá khiến trẻ dễ mắc các bệnh về đường hô hấp, đặc biệt là ho, viêm họng… Nhiều cha mẹ thấy sốt ruột khi con mới chỉ húng hắng ho, ho gây nôn trớ lại càng khiến bố mẹ lo sợ hơn. Các bố mẹ muốn dùng thuốc chặn đứng cơn ho, chứng viêm họng của con ngay lập tức bằng cách dùng kháng sinh.
Theo các bác sĩ, điều này vừa gây tốn kém vừa không mang lại hiệu quả trong điều trị, chưa kể đến nguy cơ kháng thuốc.
Trong thực tế, ho là một phản xạ bảo vệ cơ thể nhằm loại bỏ các chất tiết, dị vật ra khỏi đường hô hấp. Kháng sinh không sử dụng trong những trường hợp này. Và trên thế giới, phác đồ điều trị viêm họng do virus cũng không sử dụng kháng sinh mà chỉ điều trị triệu chứng.
Điều trị triệu chứng ở đây là: sốt thì dùng thuốc hạ sốt; ho dùng thuốc ho, thuốc long đờm; nghẹt, sổ mũi thì dùng nước muối biển vệ sinh mũi họng… Nghiên cứu đã chỉ ra trong điều trị nhiễm khuẩn hô hấp trên ở trẻ, ho không cần dùng kháng sinh mà uống kháng sinh thì lâu khỏi hơn.
Những cơn ho do nhiễm khuẩn hô hấp trên ở trẻ khiến người lớn lo lắng nhưng với trẻ đó không phải là vấn đề phiền phức. Nhiều trẻ bị cơn ho làm tỉnh giấc khi đang ngủ, thậm chí dễ nôn trớ khi ăn nhưng hiếm khi ho khiến trẻ kiệt sức hay mất ngủ.
2. Những loại siro ho từ thảo dược cho trẻ dễ kiếm, dễ làm
* Siro từ quất, mật ong
Trong dân gian có nhiều bài thuốc chữa ho cho bé hiệu quả, không gây hại bộ máy tiêu hóa, gan thận, không sợ bị nhờn thuốc, với các dược liệu dễ kiếm, dễ làm. Thông dụng nhất, dễ làm nhất là siro từ quất, gừng, mật ong…
Nhà có phụ nữ có thai hoặc trẻ nhỏ nên làm để dự trữ hũ quất chưng mật ong, với khoảng 8 liều dùng để có thể dùng bất cứ lúc nào.
– Gừng có tác dụng thông mũi tự nhiên, giảm đau họng, kháng virus và kháng khuẩn.
– Chanh nhiều vitamin C, ức chế ho và chống cảm lạnh, tăng hệ thống miễn dịch, kháng virus và kháng khuẩn.
– Mật ong có khả năng kháng khuẩn, chống các bệnh về đường hô hấp trên, làm dịu đau cổ họng. Nhưng mật ong chỉ nên dùng cho trẻ trên 12 tháng tuổi. Với trẻ dưới 12 tháng tuổi nên thay mật ong bằng đường phèn, đường mía, chứ không nên dùng mật ong.
Cách làm: Siro quất ngâm mật ong
+ Quất: 200g, mật ong nguyên chất: 150ml, một ít muối trắng. Hũ thủy tinh có nắp.
+ Sơ chế quất, ngâm nước muối như trên, rồi xắt lát, hoặc cắt đôi bỏ hạt. Xếp quất vào hũ, cứ 1 lớp quất đổ 1 lớp mật ong. Đậy kín nắp hũ, cất nơi thoáng mát. Sau 3-5 ngày chắt lấy nước uống, hoặc pha với nước ấm cho trẻ dễ uống.
– Trẻ lớn nên ngậm thêm miếng quất, rồi nhai nuốt sẽ tốt hơn.
– Người lớn dùng lượng nhiều hơn mới hiệu quả.
* Siro quất – gừng – mật ong
+ Quất tươi 0,5kg; gừng (1 củ); đường phèn 150g; mật ong hoa nhãn nguyên chất 80ml.
+ Sơ chế: Gừng cạo vỏ, thái lát mỏng. Quất rửa sạch, ngâm nước muối loãng khoảng 45 phút rồi rửa lại lần nữa với nước sạch. Cắt đôi quả quất, bỏ hạt rồi xếp vào tô lớn cùng gừng, mật ong, đường phèn. Tất cả chưng cách thủy 60 phút là dùng được.
*Siro ho chanh – gừng – mật ong
+ Gừng: 1 miếng; mật ong: 1 chén nhỏ; chanh: 2 quả; bộ lọc và bát; lọ đựng siro; nồi; cốc và thìa.
+ Thực hiện: Gừng rửa sạch cắt lát. Chanh nạo lấy vỏ rồi vắt nước để riêng. Đổ một chén nước vào nồi, cho gừng thái lát vào. Thêm 2 thìa vỏ chanh đã nạo. Đun sôi và để bốc hơi 5 phút, rồi lọc lấy nước, bỏ bã.
Đổ 1 chén mật ong vào nồi, đun lửa nhỏ (nhưng không để mật ong sôi), đổ hỗn hợp chanh, gừng vào. Thêm nước cốt chanh vào khuấy đều. Đun hỗn hợp trên lửa nhỏ vài phút là được. Để nguội rồi đổ hỗn hợp vào lọ và bảo quản nơi thoáng mát.
– Trẻ 1 – 5 tuổi uống 1/2 đến 1 thìa cà phê, 2h uống 1 lần.
– Trẻ 5 – 12 tuổi uống 1 – 2 thìa cà phê. 2h uống 1lần
– Trẻ em trên 12 tuổi và người lớn dùng 1 – 2 thìa, uống 4h/lần.
3. Lưu ý khi làm siro trị ho cho trẻ
Để tránh dùng kháng sinh cho trẻ khi ho, bạn hãy cho trẻ uống thuốc ho Đông y, hoặc các loại siro ho tự chế từ dược liệu vườn nhà như quất, chanh đào, hoa hồng bạch, vỏ quýt… hấp/chưng mật ong. Việc kê đơn cho bệnh nhi bị ho bằng các loại siro dược liệu đã khuyến khích từ lâu bởi rất hiệu quả, giảm ho, long đờm khi dùng một mình, hay kết hợp với tân dược. Vấn đề là dược liệu cần phải thật sự sạch mới có hiệu quả như mong muốn.
Nếu siro ho dùng dược liệu “bẩn”, kém chất lượng (dược liệu bị bón phân hóa học, thuốc trừ sâu, nhiễm kim loại nặng…) thì trẻ uống vào người lâu dài chất độc sẽ tích tụ, gây ra các vấn đề về sức khỏe (dù có thể đã chữa được một loại bệnh nào đó).