Hệ miễn dịch non nớt chưa hoàn thiện ở trẻ là nguyên nhân khiến trẻ rất dễ mắc các bệnh đường hô hấp trong đó có bệnh viêm phổi. Trong khi các triệu chứng ở giai đoạn đầu của bệnh không rõ ràng, khó phát hiện khiến cho nhiều trường hợp các bé được đưa đến viện khi bệnh đã ở thể nặng. Viêm phổi nếu nặng có thể dẫn đến tử vong nếu không được điều trị kịp thời.

Bài viết dưới đây sẽ cung cấp cho các bạn một số dấu hiệu giúp nhận biết sớm bệnh và cách điều trị bệnh tại nhà.

1. Làm thế nào để phát hiện sớm viêm phổi ở trẻ nhỏ?

Dấu hiệu nhận biết sớm nhất bệnh viêm phổi ở trẻ em mà chúng ta cần phải biết là:

Khi trẻ bị viêm phổi, phổi của trẻ sẽ mất tính mềm mại, không thể giãn nở dễ dàng khi trẻ hít thở. Hậu quả là trẻ có thể bị thiếu oxy. Điều này khiến trẻ buộc phải thở nhanh hơn dể bù đắp lại sự thiếu hụt này.

Tổ chức Y tế Thế giới dựa trê kết quả công trình nghiên cứu khoa học quy mô tại nhiều nơi trên thế giới đã rút ra kết luận rằng:

– Thở nhanh là triệu chứng xuất hiện sớm nhất khi trẻ vị viêm phổi, sớm hơn cả các dấu hiệu có được khi nghe phổi bằng ống nghe. Đây cũng là triệu chứng rất dễ phát hiện ở mọi lúc, mọi nơi chỉ với một đồ dùng rất thông dụng: đồng hồ có kim giây.

Dựa vào nó, chúng ta có thể đếm được nhịp thở của trẻ trong vòng một phút để xem trẻ có thở nhanh hay không. Gọi là thở nhanh khi:

+ Nhịp thở từ 60 lần/phút trở lên ở trẻ dưới 2 tháng.

+ Từ 50 lần/phút trở lên ở trẻ từ 2 – 11 tháng.

+ Từ 40 lần/phút trở lên ở trẻ từ 12 tháng – 5 tuổi.

– Nếu thấy có dấu hiệu này, là trẻ đã có triệu chứng viêm phổi, cần được đưa đến cơ sở y tế thăm khám và điều trị ngay.

– Vì trẻ nhỏ các chức năng của các cơ quan chưa ổn định, nhịp thở có thể tăng khi trẻ gắng sức (bú, quấy khóc…) Nên chúng ta cần phải đếm nhịp thở khi trẻ nằm im, tốt nhất khi ngủ.

2. Dấu hiệu khi viêm phổi đã chuyển nặng

Bệnh viêm phổi diễn tiến xấu đi sẽ khiến phổi ngày càng mất tính mềm mại, có thể trở nên đặc cứng làm trẻ phải gắng sức nhiều để thở. Khi đó các cơ hô hấp, đặc biệt là cơ hoành phải tăng cường co bóp để bù đắp. Biểu hiện bằng việc phần dưới lồng ngực của trẻ sẽ bị cơ này kéo lõm vào khi trẻ hít vào.

Nếu bạn phát hiện trẻ có dấu hiệu thở co lõm lồng ngực thì bệnh viêm phổi đã ở thể nặng, cần cho trẻ nhập viện ngay để điều trị.

Muốn nhận biết được chính xác dấu hiệu này, chúng ta cần vén áo trẻ lên cao để thấy rõ vùng ngực và bụng trẻ. Quan sát khi trẻ nằm yên, không bú, không khóc.

3. Dấu hiệu báo động bệnh viêm phổi ở trẻ đã tới mức nguy hiểm, cần nhập viện cấp cứu ngay lập tức?

Là các dấu hiệu cho biết trẻ đang trong tình trạng nguy kịch, tính mạng đang bị đe dọa. Cần phải đưa trẻ đến bệnh viện cấp cứu ngay lập tức để còn có cơ hội sống. Những dấu hiệu nguy hiểm này không chỉ có trong bệnh viêm phổi mà còn có thể gặp với nhiều loại bệnh khác và cũng cần được cấp cứu kịp thời.

– Biểu hiện ở trẻ dưới 2 tháng tuổi: Bỏ bú hoặc bú kém, co giật, ngủ li bì – khó đánh thức, sốt hoặc lạnh, thở khò khè.

– Biểu hiện ở trẻ từ 2 tháng – 5 tuổi: Trẻ không thể uống được gì kể cả sữa mẹ, co giật, ngủ li bì – khó đánh thức, thở có tiếng rít, suy dinh dưỡng nặng.

4. Cách chăm sóc trẻ bị viêm phổi tại nhà

Bệnh viêm phổi tuy không lây, nhưng nếu là trẻ có anh chị em sinh đôi, hoặc với trẻ cùng độ tuổi khác tiếp xúc quá gần gũi thì nguy cơ lây nhiễm hoàn toàn có thể xảy ra.

Tuy nhiên, bạn có thể điều trị cho trẻ bị viêm phổi ngay tại nhà với những trường hợp mới chớm và ở thể nhẹ. Khi đó, có 4 việc bạn cần phải làm là:

* Cho trẻ uống kháng sinh thích hợp

Điều quan trọng nhất để có thể chữa khỏi viêm phổi cho trẻ là trẻ cần được uống kháng sinh thích hợp đúng cách, đủ liều và đủ thời gian. Khi đã có chỉ định từ thầy thuốc, phụ huynh cần mua đúng thuốc, uống đúng liều lượng mỗi lần uống, số lần uống trong ngày và số ngày cần điều trị bằng thuốc đó.

* Điều trị các triệu chứng đi kèm viêm phổi: sốt, khò khè.

Tùy trường hợp mà bác sĩ sẽ kê cho trẻ các loại thuốc cần thiết khác như thuốc hạ sốt (Paracetamol), thuốc điều trị khò khè (Salbutamol, Trebutaline). Bạn cần cho trẻ uống đúng theo hướng dẫn dù rằng các loại thuốc này cũng khá an toàn cho trẻ em.

* Phương pháp chăm sóc trẻ tại nhà khi bé bị viêm phổi

Tăng cường cho bé bú – ăn, tránh kiêng ăn. Cho trẻ ăn đủ chất, bú đều đặn và uống nhiều nước khi đang bệnh. Sau khi trẻ khỏi bệnh vẫn cần bồi dưỡng thêm.

Vệ sinh mũi cho trẻ trước khi ăn, mũi thông thoáng khiến trẻ có thể ăn, bú dễ dàng hơn.

Lưu ý đối với vấn đề ho: Khi trẻ bị nhiễm khuẩn hô hấp cấp tính, ho chính là một phản xạ có lợi để tống đàm dãi ra ngoài, giúp đường thở của trẻ được thông thoáng, thuận lợi cho việc hít thở. Do đó không nên lạm dụng các loại thuốc ho để kìm hãm phản xạ có lợi này của trẻ.

* Tái khám theo hẹn và khám lại ngay lập tức khi trẻ có dấu hiệu bất thường – trở nặng

– Tái khám theo hẹn: Trẻ cần được tái khám sau 2 ngày để bác sĩ đánh giá xem thuốc kháng sinh này có hiệu quả hay không. Với trường hợp tốt nhất (trẻ thở trở lại bình thường, hết sốt, ăn – bú khá hơn) trẻ vẫn cần uống kháng sinh đủ thời gian là 5 ngày.

– Sau tái khám 2 ngày, nếu trẻ còn thở nhanh, bác sĩ sẽ kê cho bé một loại kháng sinh cần thiết khác hoặc cho cháu nhập viện điều trị.

– Khám lại ngay khi thấy có bất thường: Cần lưu ý theo dõi và đưa trẻ đến ngay cơ sở y tế, bệnh viện nếu thấy trẻ có một trong các dấu hiệu sau: thở khó khăn (thở nhanh hơn – mạnh hơn, thở co lõm lồng ngực), trẻ không thể uống được nước, trẻ trở nên mệt hơn. Đây là những dấu hiệu cho biết bệnh của trẻ đã trở nặng, cần nhập viện ngay.