Viêm phế quản là chứng bệnh cực kỳ phổ biến ở trẻ em mọi độ tuổi, đặc biệt tập trung ở những bé sống ở thành thị hoặc nơi tập trung đông dân cư, không khí bị ỗ nhiễm. Viêm phế quản ở trẻ nhỏ có thể chữa dứt điểm, quá trình điều trị cũng không quá khó khăn nếu các em được cha mẹ lưu ý và phát hiện bệnh sớm.
Tuy nhiên, có không ít trường hợp trẻ bị viêm phế quản diễn biến thành mãn tính, tái đi tái lại khi thời tiết thay đổi, trở lạnh hoặc khi trẻ bị nhiễm lạnh vì một lý do nào đó. Thậm chí còn có thể gây hen suyễn khi trẻ lớn lên… Nguyên nhân của những việc này này là do người lớn chưa nhận thức đầy đủ về mức độ nguy hiểm khi trẻ bị viêm phế quản.
Hãy cùng chúng tôi tìm hiểu qua bài viết dưới đây để nắm được nguyên nhân, triệu chứng và các biến chứng nguy hiểm của bệnh viêm phế quản ở trẻ em.
1. Viêm phế quản ở trẻ em là gì?
– Viêm phế quản ở trẻ em là hiện tượng lớp niêm mạc của các ống phế quản bị viêm nhiễm (ống phế quản là các ống được nối trực tiếp với phổi, có nhiệm vụ đưa không khí vào và ra từ phổi để thực hiện chức năng hô hấp của cơ thể). Đây là một trong những bệnh lý xảy ra nhiều nhất ở đường hô hấp. Bất cứ đối tượng nào, lứa tuổi nào cũng có thể mắc bệnh, không ngoại trừ trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ…
– Viêm phế quản ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ được chia thành 2 loại là: Viêm phế quản cấp tính và viêm phế quản mãn tính.
+ Viêm phế quản cấp là tình trạng lớp niêm mạc phế quản bị viêm tạm thời, khiến đường hô hấp bị sưng và tăng tiết dịch nhày; bệnh cấp tính thường chỉ kéo dài trong vài tuần.
+ Trong khi đó, viêm phế quản mãn tính là khi các ống phế quản bị kích thích liên tục, kéo dài hàng tháng hoặc hàng năm, loại này nghiêm trọng hơn nhiều so với viêm phế quản cấp tính, do có nguy cơ dẫn đến rất nhiều biến chứng nguy hiểm nhanh hơn.
2. Nguyên nhân khiến trẻ bị viêm phế quản
Có tương đối nhiều nguyên nhân có thể gây nên bệnh viêm phế quản trẻ em, có thể kể đến như do sự tấn công của virus, vi khuẩn, kí sinh trùng hoặc nấm. Nhưng đa phần là do các virus và vi khuẩn có sẵn trong họng và mũi của trẻ, từ bên ngoài môi trường xâm nhập vào. Kết hợp với các điều kiện bất lợi như thời tiết thay đổi thất thường, ô nhiễm, khói bụi, khói thuốc lá… càng khiến bệnh dễ khởi phát và diễn tiến nhanh.
Những nguyên nhân khiến trẻ em bị viêm phế quản được liệt kê bao gồm:
– Ô nhiễm môi trường: khói bụi ô nhiễm, không khí lạnh, khí hậu ấm ướt, khí độc.
– Nhiễm khuẩn: virus, vi khuẩn.
– Cơ địa: trẻ em có cơ địa dị ứng với khói thuốc lá, phấn hoa, lông chó mèo, thức ăn, hóa chất, một số loại thuốc…
– Yếu tố bất lợi từ môi trường: khói thuốc lá, môi trường sống kém vệ sinh, nấm mốc.
3. Dấu hiệu khi nhiễm bệnh
Trẻ thường bị ho, hắt hơi, chảy nước mũi kèm theo dấu hiệu sốt nhẹ hoặc không (nên lưu ý vì sốt không phải triệu chứng đặc trưng của bệnh). Trên thực tế, có rất nhiều trẻ mắc viêm phế quản mà không bị sốt hoặc chỉ bị sốt nhẹ.
Trẻ có thể xuất hiện những cơn ho ngày một kéo dài, nhất là về nửa đêm hoặc gần sáng. Khi ấy, trẻ thường thở khò khè hoặc khó thở, bú kém, hay bị nôn trớ. Nếu bệnh nặng hơn, trẻ sẽ có dấu hiệu thở hổn hển từng nhịp, bú rất kém, tinh thần sa sút, không muốn chơi đùa…
Nên đưa trẻ đến bác sĩ ngay nếu bạn phát hiện thấy trẻ có các biểu hiện: sốt cao, cánh mũi thở phập phồng, trẻ thở mạnh khiến bụng thóp lại, nhịp thở nhanh… Dấu hiệu nguy kịch là trẻ bị tím tái môi hoặc đầu ngón tay. Nếu để lâu, viêm phế quản ở trẻ sẽ để lại những biến chứng nguy hiểm như gây suy hô hấp…
4. Triệu chứng
Triệu chứng viêm phế quản ở trẻ sở sinh và trẻ nhỏ cần được người lớn quan sát và phát hiện sớm. Mỗi giai đoạn bệnh sẽ có những biểu hiện, triệu chứng khác nhau:
* Giai đoạn viêm phế quản chớm phát
Trong những ngày đầu tiên, triệu chứng viêm phế quản ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ sẽ là: sốt nhẹ, ngạt mũi, ho khan, hắt hơi nhiều, chảy nước mùi hoặc quấy khóc, không chịu bú mẹ. Nếu trong những ngày đầu này, bé bị viêm phế quản không được phát hiện và điều trị, dần dần sẽ bị sốt cao hơn, khó thở, phải há miệng để thở, cơ thể tím tái và xuất hiện rối loạn tiêu hóa.
* Giai đoạn viêm phế quản trở nặng
Trẻ em bị viêm phế quản thường kèm theo dấu hiệu sốt cao, đến giai đoạn này, trẻ thường sốt cao từ 38 – 40 độ, cơ thể mệt mỏi, toát mồ hôi, môi khô. Ngoài ra, khi đã trở nặng triệu chứng viêm phế quản ở trẻ em còn bao gồm:
– Ho kéo dài, ho dữ dội, có thể có đờm hoặc không
– Khó thở, khi bé thở có thể quan sát thấy hiện tượng co rút lồng ngực.
– Toàn thân tím tái, đặc biệt là các đầu ngón tay và ngón chân, vùng môi.
– Rối loạn tiêu hóa với biểu hiện: không bú, chán ăn, nôn ói, đi ngoài phân lỏng.
– Co giật, hôn mê vật vã, mạch nhỏ, tim đập nhanh.
Những triệu chứng viêm phế quản ở trẻ nhỏ là dấu hiệu không thể coi thường. Phát hiện thấy, cha mẹ cần ngay lập tức đưa bé đến bệnh viện để được điều trị kịp thời. Nếu chậm trễ, bé có thể ngưng hô hấp, suy hô hấp và dẫn đến tử vong.
5. Viêm phế quản ở trẻ em có nguy hiểm không?
Trẻ em bị viêm phế quản thường là loại viêm phế quản cấp tính, bệnh này thực tế không quá nguy hiểm và hoàn toàn có thể điều trị dứt điểm. Tuy nhiên ranh giới giữa không nguy hiểm và nguy hiểm vô cùng mong manh, viêm phế quản cấp tính thậm chí có thể cướp đi tính mạng của trẻ bất cứ lúc nào nếu như không được điều trị dứt điểm.
Những biến chứng được cho là rủi ro nhất nếu trẻ em bị viêm phế quản mà không được điều trị sớm và dứt điểm gồm có:
– Giãn phế quản
– Viêm phế quản mãn tính
– Viêm phế quản bội nhiễm
– Viêm phế quản co thắt (biến chứng gần nhất dẫn đễn hen phế quản)
– Hen phế quản (hen suyễn)
– Viêm phổi
6. Điều trị bệnh viêm phế quản ở trẻ em
Điều trị bệnh viêm phế quản ở trẻ em phải phụ thuộc vào nguyên nhân cũng như tình trạng, mức độ bệnh.
– Nếu trẻ bị viêm phế quản do siêu vi trùng thì chỉ cần cho trẻ ăn uống, sinh hoạt khoa học; viêm phế quản do vi trùng, nấm thì dùng kháng sinh theo chỉ dẫn bác sĩ.
– Giữ ấm cho trẻ, nhất là vùng cổ họng; cho trẻ uống nước ấm tránh sung huyết.
– Nếu trẻ có quá nhiều đờm thì phải đưa đi khám để hút đờm.
– Cần điều trị dứt điểm triệu chứng sổ mũi đi kèm với viêm phế quản.
– Nếu trẻ sốt cao trên 38 độ C, khó thở, thở hấp, da xanh tái, nôn ói, trẻ sơ sinh bỏ bú, chán ăn thì phải đưa trẻ đi bệnh viện.
– Với trẻ bệnh nhẹ, bác sĩ khuyến cáo không nên dùng kháng sinh. Phương pháp chữa trị chủ yếu là làm long đờm, ăn uống đầy đủ. Nếu được chăm sóc tốt, nhiều trẻ sẽ tự khỏi sau vài ba ngày. Giai đoạn này, bạn nên tăng cường cho trẻ bú mẹ. Nếu trẻ đã bước vào tuổi ăn dặm, bạn nên giữ ấm cho bé trong những ngày trời lạnh và ăn loãng hơn thường ngày. Nên bổ sung lượng nước theo nhu cầu hàng ngày của trẻ. Nước đun sôi để nguội, nước hoa quả hoặc nước cháo… đều tốt cho trẻ trong trường hợp này.
Cho trẻ ăn những thức ăn dễ tiêu, ít chất béo, ít ngọt và chia thành nhiều bữa nhỏ trong ngày.
Trước mỗi bữa ăn, bạn nên nhỏ mũi cho trẻ (dùng nước muối sinh lý hoặc thuốc nhỏ mũi dành cho trẻ) để làm thông mũi. Nhỏ mỗi lần 3 – 4 giọt, mỗi ngày 2 – 3 lần (hoặc tham khảo hướng dẫn sử dụng ghi trên bao bì). Sau đó, bạn có thể dùng khăn mềm lau khô (hoặc dùng miệng hút sạch nước mũi của trẻ).
Trường hợp trẻ bị sốt, bạn không nên ủ ấm bé quá kỹ. Mặc cho bé những loại quần áo rộng rãi, thoáng mát, có thể dùng nước mát chườm nhẹ vùng nách, cổ, bẹn. Nếu trẻ sốt cao, bạn có thể dùng paracetamol để hạ sốt nhưng nên tham khảo ý kiến bác sĩ về liều lượng và cách sử dụng.
7. Cách phòng tránh viêm phế quản cho trẻ
– Cho trẻ bú mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu tiên, ăn uống đủ chất để nâng cao sức đề kháng.
– Giữ vệ sinh cơ thể sạch sẽ hàng ngày, chú ý đến những vùng tai, họng, mũi. Vệ sinh tay chân sạch sẽ trước khi bế hoặc cho trẻ bú, ăn.
– Tránh các tác nhân gây dị ứng và cách ly trẻ với môi trường khói thuốc, hóa chất, không nên để trẻ tiếp xúc với chó, mèo. Thậm chí, nhiều trẻ có tiền sử dị ứng với lông chó, mèo cũng có nguy cơ mắc chứng viêm phế quản khi chơi với thú nhồi bông.
– Phòng ngủ của trẻ cần được đặc biệt thông thoáng, trong lành. Không nên trải thảm trong phòng trẻ. Nên thường xuyên giặt chăn, gối dành cho trẻ, sau đó phơi nắng thật khô.
– Giữ ấm cơ thể cho trẻ, đặc biệt là vào mùa đông và những ngày thời tiết thay đổi.
– Cách ly trẻ với những người mắc các bệnh về nhiễm khuẩn hoặc hô hấp.