Thời tiết chuyển mùa, ẩm ướt, tình trạng trẻ ho, sốt, viêm họng, viêm amidan tăng lên nhanh chóng. Tại các bệnh viện và chuyên khoa nhi, tỉ lệ trẻ mắc bệnh hô hấp chiếm 50% số bệnh nhân đến khám, vào viện. Để hạn chế tối đa tình trạng này, các bậc phụ huynh cần chủ động tìm cách phòng tránh bệnh cho con em mình. Dưới đây là một vài gợi ý từ các chuyên gia y tế về việc phòng bệnh đường hô hấp hiệu quả ở trẻ nhỏ.

1.Vì sao nên phòng bệnh đường hô hấp khi giao mùa

Bệnh viêm đường hô hấp trên (có cấp tính và mạn tính), bệnh nhẹ nhưng hay gặp và khó chịu vì ảnh hưởng tới sinh hoạt. Bệnh cấp tính gây sốt cao hoặc vừa ho, hắt hơi, chảy nước mũi, nghẹt mũi, thay đổi giọng, mất giọng, niêm mạc họng đỏ (trẻ em nôn nhiều, quấy khóc). Nếu không kịp thời chữa trị dứt điểm sẽ diễn tiến thành viêm phế quản, viêm phổi và rất dễ chuyển thành mạn tính. Trong khi đó, viêm đường hô hấp dưới ít gặp, gồm viêm thanh quản, khí quản, phế quản, tiểu phế quản, phổi và hay bị nặng. Bên cạnh đó, khi giao mùa 3 loại virus cúm A, B, C gây bệnh viêm đường hô hấp cấp bùng phát mạnh, trong đó cúm A dễ tạo thành dịch, biến chứng có thể gây viêm xoang cấp, viêm tai giữa.

2.Cách phòng bệnh đường hô hấp trên khi giao mùa đúng cách

Các bác sĩ khuyến cáo, để phòng bệnh hô hấp cho trẻ trong thời tiết giao mùa cần tăng cường sức đề kháng bằng cách cho trẻ ăn đầy đủ chất dinh dưỡng, bổ sung vitamin, khoáng chất như sắt, kẽm, DHA, omega 3… một cách hợp lý. Việc bổ sung đầy đủ dưỡng chất sẽ giúp bé có một hệ miễn dịch khỏe mạnh, giúp chống lại các tác nhân gây hại từ bên ngoài.

Bên cạnh chế độ ăn bố mẹ cũng nên chú ý đến việc mặc của trẻ. Vào những thời điểm nhiệt độ thấp như sáng sớm và đêm lạnh nên cho trẻ mặc quần áo ấm, đến trưa nóng thì có thể cởi bớt ra. Không nên cho trẻ mặc quần áo quá dày và đệm nhiều lớp vì mồ hôi toát ra thấm ngược dễ gây ốm, sốt.

Giữ nhiệt độ phòng ổn định và thoáng sạch. Thường xuyên vệ sinh các đồ dùng trong nhà và đồ chơi của trẻ vì đây là những thứ chứa rất nhiều virus, vi khuẩn. Trẻ cầm tay rồi lại cho lên miệng tạo điều kiện cho các tác nhân gây bệnh xâm nhập.

Khi trẻ ốm, sốt vẫn cần lau rửa, tắm giặt, vệ sinh mũi họng, cơ thể hàng ngày sạch sẽ. Nhiều ông bố bà mẹ thấy con ốm thì kiêng tắm cho trẻ nhưng đây là một quan điểm sai lầm. Bên cạnh đó, cần giữ vệ sinh tay chân cho bé, rửa tay thường xuyên sẽ giúp bé tránh nhiễm bệnh, chăm sóc răng miệng sạch sẽ, là cách phòng bệnh đường hô hấp rất hiệu quả.

Với trẻ bị ho không nên cho trẻ uống thuốc ho tùy tiện, bởi những cơn ho cũng góp phần đẩy đờm dãi ra ngoài. Khi trẻ ho kèm nôn trớ thì không nên cho ăn quá no, nên uống nước ấm, xịt rửa mũi, họng và dùng thuốc theo hướng dẫn của thầy thuốc.

Không để trẻ tiếp xúc trực tiếp với những người đang bệnh viêm đường hô hấp.
Để virus không có cơ hội xâm nhập vào đường hô hấp của trẻ, mẹ nên vệ sinh tay chân trẻ hằng ngày, người lớn cũng cần rửa chân tay sạch sẽ khi tiếp xúc bé.

Phòng bệnh đường hô hấp một vấn đề vô cùng quan trọng và cần thiết giúp ngăn ngừa loại bỏ đồng thời hạn chế sự tấn công của các tác nhân gây bệnh cho cơ thể. Theo các chuyên gia y tế, bạn hoàn toàn có thể phòng ngừa căn bệnh phổ biến này tại nhà chỉ bằng những biện pháp đơn giản như gợi trên. Vì vậy thay vì khổ sở chống lại bệnh, hãy chủ động ngăn chặn nó.