Viêm phổi là một trong những bệnh lý về hô hấp thường gặp, có thể dẫn tới những biến chứng rất nặng nguy hiểm tới tính mạng. Hãy cảnh giác nếu thấy bản thân có một trong số các triệu chứng sau:


1. Triệu chứng cơ năng và toàn thân

Dấu hiệu và triệu chứng của viêm phổi thường rất giống với cảm lạnh và cúm. Đau ngực là triệu chứng hay gặp nhất. Một số triệu chứng lâm sàng thường thấy gồm: Sốt, ho, ớn lạnh, thở nhanh bất thường, nôn mửa, đau ngực, đau bụng, giảm hoạt động, trẻ sơ sinh biếng ăn hoặc bú kém, môi và móng tay trẻ có thể bị xanh hoặc xám. Biểu hiện cụ thể:

– Ho, thay đổi màu sắc đờm hoặc dịch tiết đường hô hấp

Chứng ho bất kỳ có thể là triệu chứng sớm của viêm phổi. Người bị viêm phổi thường bị ho thành cơn, ho thúng thắng, thường là ho có đờm, một số trường hợp là ho khan. Nghiêm trọng hơn là ho có đờm, đờm có màu rỉ sắt, một số trường hợp đờm có màu vàng, màu xanh, đôi khi là đờm có mủ, có mùi hôi, thối.

– Đau ngực, khó thở tăng dần

Người bị viêm phổi thường có những triệu chứng như đau ngực vùng bị tổn thương, tùy từng người mà cảm giác đau có thể ít hoặc nhiều, có trường hợp đau rất dữ dội. Khó thở, với các trường hợp nhẹ là hơi khó thở, còn nặng hơn là thở nhanh nông, có thể co kéo cơ hô hấp.

– Sốt

Sốt là biểu hiện thường thấy ở người bệnh viêm phổi. Sốt thành từng cơn hay sốt liên tục cả ngày, có thể kèm theo rét run hoặc không. Có trường hợp sốt nhẹ 38-38,5 0 C, có trường hợp sốt cao lên tới 40-41 0 C. Trường hợp này thường xảy ra ở những bệnh nhân có sức đề kháng yếu: do suy giảm miễn dịch, người già, trẻ nhỏ, hoặc ở người có các bệnh mạn tính kèm theo.

Người bệnh sốt cao, thấy da đỏ lên, nóng ran, khi xuất hiện các dấu hiệu như tím môi, tím đầu chi có thể là đấu hiệu suy hô hấp.

– Một số người bệnh còn bị ban xuất huyết trên da, lưỡi bẩn, hơi thở hôi. Bệnh nhân thường mệt mỏi, chán ăn, buồn nôn, có thể đau đầu, đau mỏi người ở những trường hợp viêm phổi do virus . Thậm chí rối loạn ý thức ở trẻ nhỏ.

2. Triệu chứng lâm sàng

Tùy từng nguyên nhân gây bệnh mà triệu chứng viêm phổi có thể khác nhau:

– Viêm phổi do vi khuẩn: Triệu chứng thường xảy ra tương đối nhanh, bao gồm rét run, sốt cao, ra mồ hôi, khó thở, đau ngực, ho đờm đặc màu xanh hoặc màu vàng.

– Viêm phổi do virus: Các triệu chứng thường xảy ra từ từ và ít nghiêm trọng hơn so với viêm phổi do vi khuẩn. Khoảng hơn một nửa các trường hợp viêm phổi là do virus. Bệnh thường bắt đầu với các triệu chứng giống bị cúm, ho khan, đau đầu, sốt, đau cơ và mệt mỏi. Bệnh nhân có thể có khó thở và ho khạc đờm trong hoặc màu trắng khi bệnh tiến triển. Người bị viêm phổi virus cũng có nguy cơ bị bội nhiễm vi khuẩn.

– Viêm phổi do Mycoplasma: Các triệu chứng khi mắc giống với viêm phổi do vi khuẩn hoặc virus, tuy nhiên các triệu chứng thường nhẹ và bệnh nhân có thể không biết mình bị viêm phổi.

– Viêm phổi do nấm: Một số loại nấm có thể gây viêm phổi, mặc dù ít gặp. Một số người mắc phải có thể có rất ít triệu chứng, nhưng một số người lại có thể bị viêm phổi cấp và dai dẳng.

– Viêm phổi do Pneumocystis carinii: Là một bệnh nhiễm trùng cơ hội hay gặp ở người nhiễm HIV/AIDS. Người có hệ miễn dịch suy yếu do ghép tạng, hóa trị liệu hoặc điều trị corticosteroids hay các thuốc ức chế miễn dịch khác cũng có nguy cơ. Triệu chứng của viêm phổi do Pneumocystis carinii bao gồm ho dai dẳng, sốt và khó thở.

3. Triệu chứng viêm phổi khi xét nghiệm

Trên đây là những dấu hiệu và triệu chứng của bệnh viêm phổi, tuy nhiên có những trường hợp viêm phổi do Mycoplasma hay viêm phổi do nấm thường khó xác định, cách tốt nhất vẫn là để bác sĩ thăm khám và làm xét nghiệm.

– Công thức máu: Khi xét nghiệm máu có thể thấy số lượng bạch cầu tăng (>10 Giga/lít), bạch cầu đa nhân trung tính tăng trên 85%. Những trường hợp nặng hoặc có suy giảm miễn dịch thấy bạch cầu giảm (< 4giga/lít).

– Máu lắng tăng

– Khi chụp X quang phổi thấy hội chứng lấp đầy phế nang với dấu hiệu phế quản hơi, thể tích thuỳ phổi viêm không nhỏ lại, bóng mờ phế nang hoặc mô kẽ, tổn thương mới xuất hiện ở một bên hoặc cả hai bên, có thể kèm theo tràn dịch màng phổi.

Thấy những nốt mờ mới dạng thâm nhiễm xuất hiện ở 1 hoặc cả 2 bên phổi.

– Các biện pháp tìm vi khuẩn gây bệnh:

Cấy đờm, cấy máu để tìm căn nguyên vi sinh gây viêm phổi. Ngoài ra còn một số các xét nghiệm khác được chỉ định làm trong những trường hợp bệnh cụ thể.