Chớ coi thường những dấu hiệu viêm thanh quản, nếu chủ quan bệnh có thể dẫn đến những biến chứng nguy hiểm như viêm phổi, nhiễm trùng tai thậm chí ung thư.
1. Viêm thanh quản là gì?
Thanh quản là nơi phát âm của họng, có cấu tạo dây thanh là 2 nếp gấp của niêm mạc bao bọc sụn và cơ. Các dây thanh đóng mở cùng với sự rung động, chuyển động giúp con người có thể nói được. Khi bị viêm thanh quản, các dây thanh bị kích ứng, viêm nhiễm gây sưng và khiến tiếng nói bị khàn hoặc mất hẳn tiếng trong trường hợp nặng.
Viêm thanh quản kéo dài dưới ba tuần là cấp tính. Kéo dài hơn ba tuần là mãn tính.
Những tác nhân có thể gây ra viêm thanh quản là virus, môi trường ô nhiễm, nhiễm trùng do vi khuẩn.
2. Nguyên nhân gây bệnh
* Viêm thanh quản cấp tính: Viêm thanh quản cấp là tình trạng viêm trong thời gian ngắn do các dây thanh quản phải làm việc quá mức. Viêm thanh quản cấp tính có thể bắt nguồn từ việc:
– Nhiễm virus
– Căng dây thanh âm do nói nhiều hay la hét.
– Nhiễm khuẩn
– Uống nhiều rượu.
* Viêm thanh quản mãn tính: Viêm thanh quản mãn là kết quả của việc phơi nhiễm lâu dài với các chất kích thích. Bệnh hường kéo dài hơn 3 tuần và bắt nguồn từ các nguyên nhân:
– Tiếp xúc thường xuyên với các hóa chất độc hại hoặc chất gây dị ứng.
– Trào ngược axit dạ dày.
– Viêm hoặc nhiễm trùng xoang mãn tính.
– Hút thuốc lá hoặc ở gần người có thói quen hút thuốc.
– Nói nhiều.
Các nguyên nhân ít gặp hơn gây ra viêm thanh quản mãn tính là:
– Nhiễm trùng do vi khuẩn hoặc nấm.
– Nhiễm trùng do ký sinh trùng.
Ngoài ra những bệnh như ung thư, tê liệt dây thanh quản hoặc thay đổi hình dạng dây thanh cũng có thể gây đau họng.
3. Triệu chứng viêm thanh quản
Các triệu chứng của viêm thanh quản thường chỉ kéo dài dưới 2 tuần và chủ yếu là do virus gây ra. Tuy nhiên vẫn có một số nguyên nhân khiến cho chứng bệnh trầm trọng hơn và kéo dài. Các dấu hiệu và triệu chứng viêm thanh quản gồm: khàn tiếng, mất giọng hoặc giọng nói yếu, viêm họng, họng khô rát, ho khan…
Một số triệu chứng có thể nguy hiểm hơn như khó nuốt, ho ra máu, sốt. Bạn nên đến gặp bác sĩ càng sớm càng tốt.
4. Cách điều trị
Viêm thanh quản cấp do virus gây ra sẽ phát triển và tự khỏi trong khoảng 7 ngày. Trong thời gian này, người bệnh chỉ cần chăm sóc cơ thể, bổ sung dinh dưỡng giúp cơ thể tăng cường sức đề kháng để bệnh nhanh khỏi hơn.
Đối với viêm thanh quản mãn tính thường bác sĩ sẽ chỉ định dùng thuốc là chủ yếu. Bên cạnh đó, người bệnh cũng nên thực hiện chế độ sinh hoạt ăn uống hợp lý khoa học để giúp điều trị bệnh khỏi nhanh.
* Thuốc chữa viêm thanh quản mãn tính:
– Kháng sinh: Chỉ có tác dụng trong trường hợp viêm thanh quản do vi khuẩn, không có tác dụng với nấm và virus. Nếu người bệnh dùng không đúng sẽ gây ra nhiều hậu quả nghiêm trọng. Vì vậy, khi sử dụng thuốc kháng sinh chữa viêm thanh quản mãn tính cần tuân theo chỉ định của bác sỹ.
– Thuốc Corticosteroid: Có tác dụng giảm viêm dây thanh quản. Tuy nhiên, cũng không nên lạm dụng thuốc này, chỉ dùng trong một số trường hợp cần thiết như khi biểu diễn, phát biểu…
5. Phương pháp phòng ngừa bệnh
Để ngăn ngừa bệnh viêm dây thanh quản, điều bạn cần làm là thay đổi lối sống theo hướng tích cực hơn:
– Không hút thuốc và tránh hít khói thuốc thụ động.
– Hạn chế rượu và caffeine.
– Tránh ăn đồ cay: thức ăn cay có thể khiến acid dạ dày trào ngược lên cổ họng hoặc thực quản, gây ợ nóng hoặc bệnh trào ngược dạ dày thực quản.
– Nên thiêu thụ nhiều ngũ cốc nguyên hạt, hoa quả, rau củ.
– Tránh làm vệ sinh họng quá nhiều: điều này tưởng là tốt nhưng thực tế lại có thể khiến cổ họng bị sưng tấy gây viêm thanh quản. Làm sạch họng có thể khiến chất nhầy trong họng tiết ra nhiều hơn khiến bạn khó chịu và muốn khạc nhổ.
– Sử dụng thanh quản đúng mức, không nên gồng quá sức rất dễ bị viêm thanh quản. Trẻ nhỏ hay la hét nhiều và những đối tượng như giáo viên, ca sĩ rất dễ bị mắc.
– Tăng cường miễn dịch cho cơ thể bằng cách bổ sung các vitamin, khoáng chất, uống nhiều nước mỗi ngày cũng là một trong cách phòng ngừa viêm thanh quản hiệu quả.
– Giữ ấm cơ thể tránh để cơ thể bị lạnh nhất là thời tiết chuyển mùa.