Thời tiết thay đổi dễ khiến người cao tuổi mắc các bệnh lý đường hô hấp như: viêm mũi, viêm xoang, viêm phế quản cấp… nhất là với những người cao tuổi mắc bệnh mạn tính. Nếu không điều trị kịp thời, các bệnh về đường hô hấp dễ gây ra những biến chứng khó lường cho sức khỏe.

Nguyên nhân thường gặp nhất khiến người cao tuổi dễ mắc các bệnh này là do sự thay đổi thời tiết làm tái phát các bệnh mãn tính của hệ hô hấp. Cộng thêm yếu tố ô nhiễm môi trường, các bệnh lý vùng răng miệng… Đặc biệt là ảnh hưởng của các bệnh do tuổi tác như: đái tháo đường, tăng huyết áp, tim mạch, suy gan, suy thận… làm hệ miễn dịch cơ thể suy yếu.

Các bệnh lý hô hấp hay gặp ở người cao tuổi

– Viêm mũi họng là bệnh người cao tuổi hay mắc nhất vào lúc chuyển mùa, với các biểu hiện như: hắt hơi, sổ mũi, chảy nước mũi, đau rát cổ họng, tức ngực, có khi gây khó thở. Viêm họng mãn tính hay viêm họng hạt, hoặc viêm mũi mãn tính dễ gây nên viêm xoang, nhức đầu. Dễ tái phát khi thời tiết thay đổi.
– Vào mùa lạnh người già còn hay mắc viêm phế quản, viêm phổi. Đáng lưu ý là viêm phế quản, viêm phổi cấp tính ở người cao tuổi, do thân nhiệt không tăng cao như người trẻ, nên dễ bị nhầm là bệnh nhẹ, ít được quan tâm, khiến bệnh nặng dễ trở nặng.
– Một số bệnh mãn tính khác như hen suyễn, viêm phổi tắc nghẽn mãn tính dễ tái phát và xuất hiện biến chứng vào mùa lạnh.

Biểu hiện của bệnh lý hô hấp ở người cao tuổi

– Có rất nhiều người cao tuổi khi mắc các bệnh nhiễm khuẩn hô hấp không có biểu hiện trên lâm sàng điển hình. Như không sốt, hoặc sốt không cao; ho ít, đôi khi chỉ ho thúng thắng là dễ bỏ sót; người bệnh lại ít có khả năng khạc đờm.
– Một số người thậm chí chỉ có biểu hiện rối loạn ý thức, chậm chạp, lú lẫn…
– Một số người khác lại có các biểu hiện như: chảy mũi, ho, đờm, sốt, đau ngực, lạnh run…
– Nếu bị viêm nhiễm ở đường hô hấp dưới sẽ thấy các triệu chứng như: thở dốc, khó thở, lạnh run, sốt liên tục; thở nhanh và đau ngực; ho nhiều kèm theo đờm có thể lẫn máu; đau ngực; ra nhiều mồ hôi vào ban đêm và sụt cân.
– Ở người cao tuổi, khi sốt nhiệt độ sẽ không tăng cao như ở người trẻ nên dễ bị nhầm là bệnh nhẹ. Nhưng khi có viêm phổi thì tình trạng tổn thương phổi, suy hô hấp sẽ diễn tiến nhanh hơn và nặng nề hơn. Triệu chứng lâm sàng sẽ đi trước các biến đổi tổn thương trên X-quang.
– Mặt khác, bệnh gặp ở người cao tuổi thường nặng hơn ở người trẻ rất nhiều nhất là đối với trường hợp không có triệu chứng lâm sàng điển hình. Vì lý do đó người cao tuổi thường đi khám bệnh muộn, khi đó thì bệnh đã nặng.

Phòng ngừa bệnh lý hô hấp ở người cao tuổi

– Không nên chủ quan với việc vệ sinh đôi bàn tay. Nên thường xuyên rửa tay bằng xà phòng, nhất là khi xì mũi, sau khi đi vệ sinh, trước khi chuẩn bị ăn uống để phòng bệnh hô hấp.
– Không nên hút thuốc lá vì có thể gây hại cho sức khỏe, nhất là khi có tuổi sức đề kháng của cơ thể đã suy giảm hơn lúc trẻ rất nhiều.
– Lập luyện thể dục thường xuyên để nâng cao thể lực nhưng không nên tập quá gắng sức.
– Giữ ấm cơ thể khi thời tiết thay đổi, kiểm soát điều trị tốt các bệnh mạn tính sẵn có.
– Uống nước đầy đủ mỗi ngày giúp tuần hoàn cơ thể tốt hơn
– Với những người có sẵn bệnh mạn tính hoặc bị tai biến mạch não nên thường xuyên nhờ người khác vỗ lưng, tránh ứ đọng dịch tiết hô hấp gia tăng nguy cơ nhiễm khuẩn.
– Nếu phát hiện thấy các biểu hiện nghi ngờ cần đưa người cao tuổi đến ngay cơ sở y tế để được chẩn đoán chính xác. Cũng như xác định các bệnh đi kèm để có hướng điều trị thích hợp. Điều trị càng sớm và thích hợp thì khả năng hồi phục cũng như giảm đi tỷ lệ tử vong vì biến chứng hô hấp càng giảm nhiều.