Trẻ mắc các bệnh hô hấp do vi khuẩn và virus có nguy cơ gia tăng trong mùa hè một phần là do thời tiết nóng ẩm tạo điều kiện cho các loại virus, vi khuẩn phát triển. Phần nữa là hệ miễn dịch trong cơ thể non yếu của trẻ còn chưa phát triển hoàn thiện khiến cho các loại virus, vi khuẩn này rất dễ xâm nhập và gây bệnh.


1. Trẻ em – đối tượng dễ mắc nhiễm khuẩn hô hấp

Khi bị nhiễm khuẩn hô hấp trẻ em thường có những dấu hiệu như viêm long đường hô hấp trên gây sổ mũi, ho, hắt hơi, biếng ăn, quấy khóc và sốt.  Thực tế cho thấy, hầu hết các trường hợp bệnh nặng đều rơi vào nhóm trẻ dưới 1 tuổi.
Sau 1-2 ngày mắc nhiễm khuẩn hô hấp, trẻ có thể biểu hiện triệu chứng rõ rệt hơn như sốt cao, ho nhiều hơn, tiếng thở khò khè. Trẻ có thể bị khó thở, ho có thể kèm theo đờm. Lúc đầu đờm trong, trắng và dính sau chuyển sang vàng, xanh.

2. Dấu hiệu lâm sàng nhận biết trẻ khó thở cần ghi nhớ

– Trẻ thở nhanh, tần số thở trên 60 lần/phút (với trẻ dưới 2 tháng tuổi); từ 50 – 60 lần/phút (với trẻ từ 2 tháng – 1 tuổi); trên 40 lần/phút (đối với trẻ trên 1 tuổi).
–  Xuất hiện các dấu hiệu rút lõm lồng ngực: Biểu hiện vùng ranh giới giữa vùng lồng ngực và bụng bị lõm sâu khi trẻ hít vào. Nếu trẻ khó thở nặng hơn có thể xuất hiện dấu hiệu tím tái quanh môi, tím đầu chi, vật vã kích thích, vã mồ hôi thậm chí ngừng thở.
– Nhiễm khuẩn hô hấp ở trẻ em có thể biểu hiện thành bệnh: Viêm tiểu phế quản cấp, viêm phế quản cấp, viêm phế quản phổi. Những bệnh lý này nếu không được phát hiện, điều trị sớm và đúng cách thì có thể sẽ xảy ra những biến chứng như: suy hô hấp cấp, áp-xe phổi, tràn khí, tràn dịch màng phổi. Và có thể dẫn đến tử vong.

3. Lời khuyên của thầy thuốc

– Tăng sức đề kháng cho trẻ bằng cách cho trẻ uống nhiều nước, ăn uống đủ chất, vệ sinh sạch sẽ, không uống nước đá. Thực hiện tốt vệ sinh an toàn thực phẩm để phòng ngừa các rối loạn tiêu hóa. Phòng ngừa các bệnh truyền nhiễm đường ruột. Do một tỷ lệ đáng kể viêm não mà thủ phạm là virus đường ruột.
– Không nên để quạt chiếu thẳng vào người, nhất là đối với trẻ nhỏ vì dễ bị cảm lạnh;
– Không cho trẻ ở trong phòng máy lạnh nhiệt độ chênh lệch quá lớn so với nhiệt độ bên ngoài. Hạn chế cho trẻ ra ngoài, khi ra đường cần đeo khẩu trang, mặc quần áo chống nắng.
– Nếu trẻ có biểu hiện mệt sốt cần kiểm tra nhiệt độ thường xuyên để xem trẻ có sốt hay không. Nếu thân nhiệt trên 37,5 độ C, cha mẹ cho trẻ uống nhiều nước, cởi hết quần áo, lau mát hạ sốt bằng nước ấm vùng trán, nách, bụng và háng. Uống thuốc hạ sốt theo chỉ định bác sĩ.
– Khi thân nhiệt lớn hơn 38,5 độ C cần đưa trẻ tới cơ sở y tế gần nhất để phòng những biến chứng nguy hiểm.
– Biện pháp phòng bệnh hiệu quả nhất là ưu tiên trẻ ở phòng thoáng mát, môi  trường không ô nhiễm,
không khói thuốc. Quần áo của trẻ nên dùng sợi cotton thoáng và thấm mồ hôi. Trẻ cần uống đủ nước và ăn đủ chất dinh dưỡng, tránh tiếp xúc với nguồn bệnh. Đưa trẻ đi tiêm phòng đầy đủ, đúng lịch. Nếu phát hiện dấu hiệu của bệnh cần đưa trẻ đi khám và điều trị theo chỉ định của bác sĩ.