Một chế độ dinh dưỡng hợp lý sẽ giúp trẻ có đủ sức khỏe để chống chọi lại với tình trạng nhiễm khuẩn hô hấp và không bị suy dinh dưỡng sau khi mắc bệnh.


Lưu ý dành cho cha mẹ

Viêm họng, viêm amidan, viêm phế quản, viêm phổi… là những bệnh đường hô hấp thường gặp ở trẻ dưới 5 tuổi. Nhiễm khuẩn đường hô hấp ở trẻ em rất phổ biến, có tỷ lệ mắc và tử vong cao, trẻ có thể mắc bệnh nhiều lần trong năm. Do đó, cha mẹ cần phải biết cách chăm sóc, theo dõi. Và đặc biệt là bổ sung dinh dưỡng từ khi trẻ mắc bệnh đến giai đoạn hồi phục để tránh bị suy dinh dưỡng sau khi mắc bệnh.
Khi thời tiết thay đổi, nếu thấy trẻ có biểu hiện: mệt mỏi, sốt nhẹ, hắt hơi, sổ mũi và kèm theo ho, thở nhanh bất thường… thì cha mẹ nên thận trọng. Vì có thể bé đang bị cảm lạnh hoặc nhiễm khuẩn đường hô hấp cấp tính.
Trẻ bị nhiễm khuẩn đường hô hấp cấp tính thường có các triệu chứng như: Ho, sốt, khó thở, đau họng, chảy nước mũi và chảy mủ tai… Ho là triệu chứng rễ thấy nhất và ho hay kèm theo sốt.
Bệnh nhi có thể chỉ có một trong các triệu chứng trên, hoặc có cùng một lúc nhiều triệu chứng. Nếu bệnh do siêu vi gây ra thì chỉ cần điều trị triệu chứng, trong vòng 3 – 5 ngày bệnh sẽ tự khỏi. Còn khi tác nhân gây bệnh là vi trùng, bác sĩ sẽ chỉ định kháng sinh để điều trị. Liệu trình điều trị có thể kéo dài từ 5 – 14 ngày, tùy theo tình trạng bệnh.
Để phòng các bệnh về hô hấp cho trẻ, cần chú ý chế độ nuôi dưỡng tốt, bú sữa mẹ trong 06 tháng đầu tiên; tiêm phòng đầy đủ, uống vitamin A theo hướng dẫn. Giữ cho trẻ thoáng mát khi trời nóng và ấm áp khi trời lạnh, tránh nơi ô nhiễm, khói, bụi.

Chế độ dinh dưỡng cho trẻ khi nhiễm khuẩn hô hấp

Chế độ ăn cho trẻ mắc các bệnh nhiễm khuẩn hô hấp là chế độ ăn giàu năng lượng, giàu protein, giàu acid béo omega 3, cung cấp đầy đủ các vitamin và khoáng chất theo nhu cầu dinh dưỡng khuyến nghị của trẻ.
– Nhu cầu năng lượng: đáp ứng nhu cầu theo tuổi.
– Nhu cầu Protein: đáp ứng đủ nhu cầu khuyến nghị theo tuổi: Trẻ từ 0- 1 tuổi: 2-2,5g/kg cân nặng/ngày; Trẻ từ 1-6 tuổi: 1,5-2g/kg cân nặng/ngày; Trẻ > 6 tuổi: 1,5-2g/kg cân nặng/ngày
– Lipid: nhu cầu theo tuổi, giàu acid béo omega3.
– Glucid: tỷ lệ phù hợp với tổng  năng lượng.
– Nước: nhu cầu theo tuổi (1-1,5l/ngày) +  Lượng dịch mất bất thường do sốt, nôn… Nếu nhiệt độ cơ thể trẻ cứ tăng 1°C thì tăng thêm 12% lượng nước. Nếu trẻ có các bệnh kèm theo: suy tim, suy thận thì nhu cầu nước phụ thuộc vào tình trạng bệnh và do bác sĩ chỉ định;
– Cung cấp đủ các vitamin và khoáng chất theo nhu cầu khuyến nghị.
– Chia nhỏ bữa ăn trong ngày, 2-3giờ/lần ăn.

– Tăng đậm độ năng lượng bằng cách sử dụng các enzym trong các hạt nảy mầm (giá đỗ, mầm ngô, mầm lúa…) hoặc các chế phẩm enzyme tiêu hóa để làm hóa lỏng thức ăn. Và giúp tăng lượng thực phẩm gấp đôi so với bát bột hoặc bát cháo không cho thêm emzym.

– Hạn chế những món ăn chế biến có quá nhiều dầu, mỡ như: Chiên, xào…
– Kiêng các món ăn, thức uống lạnh; những thực phẩm khi ăn vào bé bị nổi mề đay; cho bé ăn thức ăn ấm tốt hơn thức ăn lạnh.
– Trong lúc bệnh, trẻ rất dễ bị nôn ói và có cảm giác ăn không ngon, vì vậy, cần đút cho bé chậm hơn so với lúc bình thường. Khi bé không chịu ăn nữa thì ngưng và bổ sung ngay sau bữa ăn những món ăn mà bé thích, như: Các loại bánh, sữa chua, phô mai…