Viêm amidan là một bệnh thường gặp ở trẻ em và đôi khi gặp cả ở người lớn. Căn bệnh này tuy phổ biến nhưng không phải ai cũng có thể nhận biết được chính xác các triệu chứng của nó. Những thông tin dưới đây sẽ cung cấp cho các bạn chi tiết cách nhận biết những triệu chứng viêm amidan mãn tính.


1. Nguyên nhân gây bệnh viêm amidan

Amidan là một tổ chức lympho nằm ở trong họng, amidan có cấu trúc giống như hạch bạch huyết, là nơi sản sinh ra các kháng thể để bảo vệ cơ thể khỏi các tác nhân gây bệnh xâm nhập từ bên ngoài vào.

Amidan gồm có amidan khẩu cái là lớn nhất, amidan lưỡi, amidan vòm và amidan vòi tạo thành một vòng bao quanh họng, gọi là vòng Waldeyer.

Nguyên nhân gây bệnh chủ yếu là do virus như: Adenovirus, Rhinovirus, virus cúm,…

Nguyên nhân thứ hai là do vi khuẩn, các loại vi khuẩn thường gặp là liên cầu, Hemophilus Influenzae, phế cầu,… Đặc biệt đáng lưu ý là liên cầu Beta tan huyết nhóm A, vì loại này thường gây biến chứng thấp khớp, thấp tim, rất nguy hiểm.

Ngoài ra viêm amidan có nhiều yếu tố nguy cơ như cơ địa, các yếu tố thời tiết nóng ẩm, bụi, khói thuốc,…

Vậy khi amidan bị viêm thì sẽ có những biểu hiện gì?

2.Triệu chứng bệnh viêm amidan

Bệnh viêm amidan có hai thể là viêm amidan cấp tính và viêm amidan mạn tính.

2.1.Viêm amidan cấp tính

Khi bị viêm amidan cấp tính, người bệnh sẽ có các triệu chứng sau đây:

Bệnh nhân cảm thấy khô, nóng rát ở trong họng, đau họng, có khi đau nhói lên tai, đau tăng lên khi nuốt, khi ho, nuốt khó.

Sốt cao, có khi sốt đến 39-40 độ C, người mệt mỏi, đau đầu, chán ăn.

Thở hơi khò khè, đờm dãi tiết nhiều, viêm nhiễm có thể lan xuống dưới hạ họng, thanh quản và khí quản gây ho từng cơn kèm theo khản tiếng.

Ở trẻ sơ sinh sẽ có biểu hiện là trẻ quấy khóc nhiều, bỏ bú.

Khi thăm khám sẽ thấy toàn bộ niêm mạc họng đỏ rực, amidan hai bên sưng to và đỏ, nếu không có mủ thì phần nhiều là do virus gây ra.

Nếu như thấy trên bề mặt amidan có thêm các chấm mủ trắng hoặc màng mủ như váng cháo thì chủ yếu nguyên nhân là do vi khuẩn.

Hạch góc hàm hai bên sưng to và đau, ấn vào đau tăng.

Đặc biệt cần lưu ý viêm Amidan do liên cầu Beta tan huyết nhóm A vì thể bệnh này không có biểu hiện gì đặc biệt, nhưng lại có thể gây ra những biến chứng nguy hiểm như là thấp khớp, thấp tim, viêm cầu thần.

2.2 Viêm amidan mạn tính

Viêm amidan mạn tính là hiện tượng viêm thường xuyên, viêm đi viêm lại nhiều lần.

Với bệnh nhân bị viêm amidan mạn tính thì sẽ có những lúc bệnh bùng phát thành đợt cấp tính với các biểu hiện như viêm amidan cấp tính ở trên. Ngoài các đợt viêm cấp tính, bệnh nhân sẽ có các biểu hiện như sau:

Bệnh nhân thường có cảm giác nuốt vướng ở họng, hôi miệng, thỉnh thoảng có ho, khạc ra chất nhầy như bã đậu, khàn tiếng, thở khò khè, ngủ ngáy to.

Khi thăm khám sẽ thấy bề mặt amidan có nhiều khe và hốc, các khe và hốc này chứa đầy chất bã đậu và thường có mủ trắng.

Viêm amidan mạn tính có thể amidan quá phát to lên như hai hạt hạnh nhân ở hai bên thành họng làm hẹp khoang họng; cũng có thể amidan xơ teo nhỏ, bề mặt gồ ghề, lỗ chỗ hoặc chằng chịt xơ trắng là biểu hiện tình trạng bị viêm nhiễm nhiều lần, khi ấn vào amidan có thể thấy mủ hôi chảy ra từ các hốc.

Khi bạn hoặc người thân có những triệu chứng bệnh viêm amidan như trên, thì hãy đi khám để được các bác sĩ chuyên khoa xác định nguyên nhân gây bệnh và có phương pháp điều trị thích hợp. Mọi trường hợp tự ý mua và sử dụng thuốc điều trị không theo hướng dẫn chuyên khoa đều có thể đem lại những tác hại khó lường.