Triệu chứng sưng amidan là biểu hiện của căn bệnh viêm amidan. Có đến trên 80% nguyên nhân gây bệnh này là do virus, do đó không phải sử dụng thuốc kháng sinh, chỉ điều trị triệu chứng. Sau đây là cách xử lý tại nhà khi có triệu chứng sưng amidan.
1. Cho bệnh nhân uống nước ấm
Cơ thể luôn cần được cung cấp đủ nước, và càng cần thiết hơn khi bạn đang bị bệnh. Bạn có thể kiểm tra xem liệu bạn đã uống đủ nước hay chưa bằng cách quan sát màu sắc của nước tiểu. Nếu như nước tiểu của bạn có màu trong và nhạt là dấu hiệu tốt, còn ngược lại, nước tiểu có màu vàng đậm thì bạn cần phải uống thêm nhiều nước.
Cần chú ý, khi bạn đang bị sưng amidan, đau họng, hãy sử dụng nước ấm, không được uống nước lạnh hoặc nước đá. Vì nước lạnh có thể làm cho tình trạng bệnh của bạn trở nên nặng nề hơn.
2. Sử dụng nước muối ấm loãng để súc miệng
Nước muối có tính chất sát trùng, có khẳ năng loại bỏ vi khuẩn và làm sạch khoang miệng – họng. Việc súc miệng bằng nước muối còn giúp làm giảm tình trạng sưng amidan. Bạn thực hiện việc này ít nhất 3 lần mỗi ngày, để loại bỏ các vi khuẩn gây bệnh trong khoang miệng – họng.
Bạn có thể lấy 250ml nước ấm, pha vào đó một thìa muối sạch, hòa tan rồi sử dụng để súc miệng. Để tăng hiệu quả, khi súc miệng, bạn cần ngửa cổ để cho nước muối có thể vào được bên trong cổ họng, khi đó bạn sẽ có cảm giác buồn nôn, cố gắng giữ như thế trong một lúc, rồi nhổ ra hoặc nuốt xuống cũng được.
3. Nâng cao sức đề kháng cho cơ thể
Một cốc nước cam hoặc nước chanh vừa chứa các vitamin mà cơ thể bạn đang cần để tăng cường cho hệ thống miễn dịch, bảo vệ cơ thể, đồng thời nó còn có thể giúp làm giảm sưng amidan.
Khi có triệu chứng sưng amidan, việc ăn uống cũng trở nên khó khăn hơn, do amidan sưng to, làm hẹp đường đi xuống của thức ăn. Lúc này, việc lựa chọn các món ăn ngon, bổ dưỡng đồng thời dễ ăn, dễ nuốt là vô cùng quan trọng.
Bạn có thể lựa chọn món súp gà, bởi trong một bát súp gà có chứa một lượng natri có thể làm dịu cơn đau họng do viêm amidan gây ra, đồng thời có tác chống viêm rất tốt. Súp gà cũng là một món bổ dưỡng và dễ ăn khi cổ họng của bạn đang bị hẹp lại do amidan sưng to.
4. Kiểm tra nhiệt độ, hạ nhiệt độ khi sốt cao
Amidan bị viêm sưng to, thường có hiện tượng sốt, có thể sốt cao đến 39-40 độ C. Việc kiểm tra nhiệt độ thường xuyên là vô cùng quan trọng.
Nếu kiểm tra thấy nhiệt độ trên 37 độ C, nhưng dưới 38,5 độ C, có nghĩa là bệnh nhân chỉ bị sốt nhẹ, chưa cần sử dụng thuốc hạ sốt. Chỉ cần hạ sốt bằng cách dùng nước ấm lau người, chủ yếu lau các vùng cổ, nách, bẹn, lòng bàn tay, bàn chân hai bên.
Nếu thấy nhiệt độ trên 38,5 độ C, thì cần sử dụng thuốc hạ sốt, nên sử dụng thuốc hạ sốt đơn chất như Paracetamol với liều 10mg/kg cân nặng/lần, cho cả người lớn và trẻ con. Với người lớn sử dụng đường uống, còn với trẻ em để hạ sốt nhanh hơn thì có thể sử dụng đường đặt hậu môn.
Sau khi sử dụng thuốc, vẫn phải theo dõi nhiệt độ thường xuyên, cách 4-6 tiếng sau, nếu bệnh nhân vẫn sốt cao trên 38,5 độ C, mới có thể sử dụng tiếp thuốc hạ sốt.
Nếu sau khi bạn đã xử lý theo các cách trên, mà triệu chứng sưng amidan không giảm hoặc kèm theo các triệu chứng khác như sốt cao liên tục, người mệt mỏi, thở khò khè,… thì bạn cần nhanh chóng đến gặp bác sĩ chuyên khoa tai mũi họng, để được thăm khám và đưa ra phác đồ điều trị thích hợp.