Viêm họng có mủ là một bệnh lý về đường hô hấp khá nguy hiểm. Do siêu vi tấn công mãnh liệt vào họng gây ra. Khiến cho bệnh nhân cảm thấy đau rát họng, vướng ở cổ họng, hơi thở hổi…vô cùng khó chịu. Vậy để điều trị viêm họng có mủ uống thuốc gì?


1. Viêm họng có mủ là gì?

Viêm họng có mủ là bệnh lý đường hô hấp, xuất hiện do siêu vi tấn công mãnh liệt vào họng, gây ra các hiện tượng viêm nhiễm và xuất hiện mủ trong họng.

Nguyên nhân gây bệnh là do virus hoăc vi khuẩn. Bệnh có thể lây lan từ người này sang người khác qua nước bọt, dịch mũi khi tiếp xúc với người bệnh, hoặc do sử dụng chung bát, đũa, cốc, khăn mặt,…

2. Biểu hiện của bệnh viêm họng có mủ

Ho khan là biểu hiện đầu tiên của bệnh viêm họng có mủ. Tùy theo cơ địa của mỗi người, người bệnh có thể ho có đờm hoặc ho không có đờm. Các cơn ho thường xuất hiện liên tục vào ban đêm.

Đau họng là biểu hiện tiếp theo của căn bệnh này, sau ho khan. Bệnh nhân có cảm giác đau âm ỉ trong cổ họng, không đau dữ dội, đau tăng khi nuốt.

Sau đó bệnh nhân sẽ có biểu hiện ngứa họng, đồng nghĩa với việc trong khoang họng đã có sự xuất hiện của mủ. Lúc này, người bệnh sẽ khạc nhổ và đằng hắng để giảm cơn ngứa và khó chịu. Có thể khạc ra đờm có màu xanh hoặc trắng, mùi hôi khó chịu.

Ngoài ra viêm họng có mủ còn có thể có các triệu chứng khác như sốt, chán ăn, khản tiếng,…

3. Viêm họng có mủ uống thuốc gì?

Khi được chẩn đoán là viêm họng có mủ, bệnh nhân sẽ được bác sĩ cho sử dụng các loại thuốc kháng sinh để điều trị. Việc sử dụng thuốc kháng sinh bắt buộc phải tuân thủ theo hướng dẫn của bác sĩ, tuyệt đối không được tự ý sử dụng hoặc tăng giảm liều lượng thuốc, uống không đủ hoặc không đúng liệu trình. Việc làm này rất nguy hiểm vì có thể gây kháng thuốc.

Một số loại thuốc kháng sinh thường được sử dụng để điều trị viêm họng có mủ:

– Thuốc kháng sinh Penicillin V: là loại kháng sinh đường uống thường được dùng, không chỉ trong trường hợp viêm họng mủ mà hầu hết các trường hợp viêm họng đều sử dụng loại này. Nên uống thuốc khi đói, trước ăn 30 phút – 1 tiếng, hoặc sau ăn 2 tiếng.

– Thuốc kháng sinh Amoxicillin: loại thuốc này là kháng sinh uống thay thế cho thuốc Penicillin V. Khác với Penicillin V, thuốc này có thể uống trong bữa ăn.

– Thuốc kháng sinh Penicillin G benzathin A: khi bị viêm họng có mủ, bệnh nhân không thể sử dụng Penicillin hoặc không thể uống thuốc trong quá trình 10 ngày, thì đây là một sự lựa chọn thay thế. Bạn chỉ cần sử dụng một liều tiêm bắp duy nhất mà thôi.

– Thuốc kháng sinh Erythromycin ethyl succinat: đây là loại thuốc kháng sinh đường uống thay thế phù hợp cho những người dị ứng với Penicillin.

Đối với các loại kháng sinh đường uống, bệnh nhân phải sử dụng đủ liệu trình là 10 ngày. Ngay cả khi các triệu chứng đã giảm sau 2-3 ngày, thì người bệnh vẫn phải tiếp tục uống thuốc, để phòng tránh nguy cơ nhiễm trùng tái phát, sốt thấp khớp, bệnh thân,…

Ngoài thuốc kháng sinh, khi bị viêm amidan có mủ mà sốt cao, đau họng nhiều, bác sĩ có thể cho sử dụng thuốc hạ sốt, giảm đau như Paracetamol với liều lượng 10-15mg/kg cân nặng/ lần.

Căn bệnh viêm họng có mủ khá nguy hiểm bởi các biến chứng mà nó có thể gây ra như thấp tim, thấp khớp, viêm cầu thận,… Việc người bệnh tự ý sử dụng thuốc kháng sinh, không những không giúp khỏi bệnh, mà có thể làm cho tình trạng bệnh thêm nguy hiểm hơn. Vì vậy, để biết khi bị viêm họng có mủ uống thuốc gì, hãy đến gặp các bác sĩ chuyên khoa tai mũi họng để được tư vấn giúp đỡ.