Viêm amidan là một bệnh thường gặp ở trẻ nhỏ, đôi khi cũng gặp ở người lớn. Khi bị viêm amidan có cần dùng kháng sinh hay không? Đây là một vấn đề rất nhiều người quan tâm đặc biệt là các bậc phụ huynh có con nhỏ hay bị viêm amidan. Vậy chúng ta hãy tìm hiểu về căn bệnh viêm amidan và liệu có phải sử dụng thuốc kháng sinh điều trị viêm amidan không?


1. Nguyên nhân gây bệnh viêm amidan

– Amidan có cấu trúc mô học giống như cấu trúc của hạch bạch huyết, nó là tổ chức lympho ở trong họng, gồm có amidan khẩu cái là lớn nhất, amidan lưỡi, amidan vòm, amidan vòi tạo thành một vòng bao quanh họng gọi là vòng Waldeyer. Amidan là nơi sản sinh ra các kháng thể để bảo vệ cơ thể.

Có tới 80% các trường hợp viêm Amidan là do hai nguyên nhân chính gây viêm amidan đó là do vi khuẩn và do virus.

Ngoài ra còn có một số tác nhân bên ngoài như là môi trường thay đổi, thay đổi nhiệt độ đột ngột, không khí nhiều bụi bẩn,… cũng là nguyên nhân dẫn tới bệnh viêm amidan.

2. Biểu hiện của bệnh viêm amidan

Bệnh viêm amidan có hai thể là viêm amidan cấp tính và viêm amidan mạn tính.

2.1 Viêm amidan cấp tính có biểu hiện khô, nóng rát ở trong họng, đau họng, đau nhói lên tai, đau tăng lên khi nuốt, khi ho, nuốt khó, sốt cao, người mệt mỏi, đau đầu, chán ăn. Khi thăm khám sẽ thấy amidan sưng to và đỏ, đôi khi thấy có những chấm mủ trắng ở các hốc miệng, dần tạo thành một lớp mủ phủ trên bề mặt amidan.

2.2 Viêm amidan mạn tính là hiện tượng viêm thường xuyên, viêm đi viêm lại nhiều lần. Bệnh nhân thường có cảm giác nuốt vướng ở họng, hôi miệng, thỉnh thoảng có ho, khạc ra chất bã đậu, khàn tiếng, thở khò khè, ngủ ngáy to. Khi thăm khám sẽ thấy bề mặt amidan có nhiều khe và hốc, các khe và hốc này chứa đầy chất bã đậu và thường có mủ trắng.

Viêm amidan mạn tính có thể amidan quá phát to lên như hai hạt hạnh nhân ở hai bên thành họng làm hẹp khoang họng; cũng có thể amidan xơ teo nhỏ, bề mặt gồ ghề, lỗ chỗ hoặc chằng chịt xơ trắng là biểu hiện tình trạng bị viêm nhiễm nhiều lần, khi ấn vào amidan có thể thấy chảy mủ hôi ở các hốc.

Thuốc kháng sinh điều trị viêm amidan, muốn sử dụng phải có chỉ định không được dùng bừa

Viêm amidan cấp tính: cho người bệnh nghỉ ngơi, ăn nhẹ, uống nhiều nước, súc miệng bằng nước muối ấm hoặc dung sịch sát trùng. Cho uống thuốc hạ sốt, giảm đau như Paracetamol, chỉ sử dụng thuốc kháng sinh trong trường hợp viêm amidan do vi khuẩn, và phải theo sự chỉ định của bác sĩ chuyên khoa, không được tự ý sử dụng thuốc kháng sinh chữa viêm amidan một cách tùy tiện. Bởi nếu như uống không đúng thuốc, uống sai cách, sai liều lượng sẽ có thể rất nguy hiểm, dẫn đến tình trạng kháng thuốc kháng sinh, nhờn thuốc, bệnh sẽ mau chóng tái phát lại, và những lần sau sẽ có triệu chứng nặng hơn, khó điều trị hơn lần trước. Và không được sử dụng đơn thuốc cũ cho những lần viêm amidan sau, vì nguyên nhân gây viêm amidan lần sau hoàn toàn có thể không giống như lần viêm trước.

Viêm amidan mạn tính: viêm amidan mạn tính đã điều trị bằng thuốc như viêm amidan cấp mà không khỏi, tái phát 5-7 lần/năm; hoặc amidan quá phát làm cho người bệnh khó ăn, khó thở, ngủ ngáy, thậm chí ngưng thở lúc ngủ; hoặc viêm amidan đã có biến chứng như: thấp tim, thấp khớp, viêm cầu thận, áp xe quanh amidan 1-2 lần; hoặc làm cho hôi miệng điều trị bằng thuốc không hết thì khi đó có thể cân nhắc phương pháp phẫu thuật cắt amidan. Chỉ cắt amidan khi có chỉ định của bác sĩ chuyên khoa.

Tóm lại: khi bị viêm amidan nên đưa bệnh nhân đi khám để được các bác sĩ chuyên khoa thăm khám và đưa ra phác đồ điều trị thích hợp. Không nên tự ý sử dụng thuốc kháng sinh điều trị viêm amidan khi không có chỉ định của bác sĩ. Vì sử dụng thuốc kháng sinh điều trị viêm amidan một cách tùy tiện có thể rất nguy hiểm cho người bệnh.