Viêm amidan là một trong những bệnh viêm nhiễm đường hô hấp trên hay gặp ở trẻ em vào những ngày lạnh và cả những khi trời chuyển mùa. Vấn đề được nhiều bậc phụ huynh quan tâm khi đó chính là nên làm gì khi trẻ viêm amidan? Sau đây là một vài lưu ý giúp cha mẹ xử trí kịp thời khi trẻ bị viêm amidan.
Amidan vốn là một tổ chức lympho ở trong họng, có cấu trúc giống như hạch bạch huyết, với tác dụng sản sinh ra các kháng thế nhằm bảo vệ cơ thể khỏi các tác nhân gây bệnh.
Nguyên nhân gây viêm amidan bao gồm virus, vi khuẩn, khống khí ô nhiễm, khói bụi,… Trong đó nguyên nhân chủ yếu làm cho trẻ viêm amidan là do virus, chiếm tới trên 80% tổng số các ca bị viêm amidan ở trẻ em.
1. Biểu hiện của trẻ viêm amidan
Trẻ sốt cao đột ngột, cảm giác nóng rát ở trong họng, đau họng, có khi đau xuyên lên tai, đau tăng lên khi nuốt.
Trẻ có biểu hiện mệt mỏi, không muốn ăn, thở khò khè, ngáy to, hơi thở hôi.
Với trẻ nhỏ có thể thấy biểu hiện trẻ quấy khóc nhiều, bỏ bú.
Khi bảo trẻ há miệng có thể thấy amidan hai bên sưng to, niêm mạc đỏ, phù nề; có khi có các chấm mủ trắng dần phủ kín trên bề mặt amidan.
2. Khi trẻ bị viêm amidan cha mẹ cần làm gì?
Trẻ bị viêm amidan nếu như không được điều trị kịp thời có thể dẫn đến những biến chứng nguy hiểm cho sức khỏe của bé. Tuy nhiên các bậc phụ huynh cũng không nên quá lo lắng, mà hãy bình tĩnh để có cách xử lý đúng và phù hợp nhất.
Bởi vì nguyên nhân gây ra bệnh viêm amidan ở trẻ phần lớn là do virus, nên hướng điều trị ở đây chủ yếu là điều trị các triệu chứng như hạ sốt, giảm đau,…
2.1 Theo dõi nhiệt độ cơ thể trẻ, hạ nhiệt độ khi trẻ sốt cao
Đầu tiên, khi phát hiện trẻ viêm amidan, phụ huynh nên cho con mình nằm nghỉ trong phòng kín gió, cho trẻ súc miệng bằng nước muối ấm loãng, nới lỏng quần áo khi có biểu hiện sốt. Theo dõi và kiểm tra nhiệt độ thường xuyên cho trẻ:
Nếu kiểm tra thấy nhiệt độ của bé trên 37 độ C, nhưng dưới 38,5 độ C, có nghĩa là trẻ chỉ bị sốt nhẹ, chưa cần sử dụng thuốc hạ sốt. Trong trường hợp này để hạ sốt cho bé, bố mẹ dùng nước ấm, lấy khăn mềm lau người cho trẻ, chủ yếu lau các vùng cổ, nách, bẹn, lòng bàn tay, bàn chân hai bên của trẻ.
Khi kiểm tra nếu như thấy nhiệt độ của trẻ trên 38,5 độ C, lúc này cần sử dụng thuốc hạ sốt cho bé, để phòng tránh hiện tượng sốt cao gây co giật. Phụ huynh có thể tham khảo cách sau đây: sử dụng thuốc hạ sốt đơn chất như Paracetamol với liều 10mg/kg cân nặng/lần, dùng đường uống hoặc đặt hậu môn. Sau khi cho trẻ dùng thuốc, vẫn phải theo dõi nhiệt độ thường xuyên, nếu như trẻ vẫn sốt trên 38,5 độ C, thì phải cách 4-6 tiếng sau mới có thể sử dụng tiếp thuốc hạ sốt.
Phụ huynh không nên cho trẻ dưới 18 tuổi uống thuốc Aspirin để hạ sốt, vì loại thuốc này có thể gây ra hội chứng Reye ở trẻ, rất nguy hiểm.
2.2 Cho trẻ uống nhiều nước
Trẻ bị viêm amidan sốt cao sẽ dẫn đến tình trạng mất nước, mất điện giải. Chính vì vậy cha mẹ cần cho bé uống nhiều nước, có thể cho uống các loại nước hoa quả, hoặc sử dụng oresol để có thể bù cả nước và điện giải cho trẻ.
2.3 Cung cấp đầy đủ dinh dưỡng cho trẻ
Khi trẻ bị viêm amidan thường có biểu hiện mệt mỏi, không muốn ăn do nuốt đau họng, trong khi cơ thể đang cần nhiều năng lượng để có thể chống lại các nguyên nhân gây bệnh. Vì vậy, mẹ hãy nấu cho bé những món ăn ngon, bổ dưỡng, mềm và dễ ăn như cháo, súp, nước quả…
Nếu như trẻ vẫn đang bú mẹ, thì nên cho bé bú nhiều hơn, bởi sữa mẹ vừa cung cấp nước, chất dinh dưỡng cho trẻ, lại còn có khả năng tăng sức đề kháng cho bé nữa.
Trên đây là một vài lưu ý cần thiết cho cha mẹ khi trẻ viêm amidan. Hãy ghi nhớ và làm theo khi bé nhà bạn không may bị viêm amidan, để tránh dẫn đến những biến chứng không đáng có.