Bệnh viêm họng là căn bệnh khá phổ biến ở trẻ nhỏ, nhiều khi khiến cho trẻ bị sốt cao, mệt mỏi, chán ăn. Những người làm cha làm mẹ rất lo lắng không biết phải làm gì khi con nhỏ trẻ bị viêm họng sốt cao? Dưới đây là một vài lưu ý cần thiết cho cha mẹ khi gặp trường hợp này.

Trước tiên chúng ta cần biết viêm họng là tình trạng viêm niêm mạc họng, niêm mạc họng gồm có lớp liên bào, tuyến nhầy và nang lympho.

Bệnh viêm họng ở trẻ nhỏ thường gặp khi thời tiết giao mùa hay mùa đông lạnh. Căn bệnh này thường khởi phát đột ngột và nguyên nhân chủ yếu là do virus. Bệnh tuy không khó chữa nhưng nếu như không được phát hiện sớm và điều trị kịp thời thì có thể sẽ gây ra những biến chứng nguy hiểm cho sức khỏe của trẻ.

1. Biểu hiện của trẻ khi bị viêm họng sốt cao

Trẻ có biểu hiện sốt ly bì, người nóng, sốt cao có khi tới 39-40 độ C.

Trẻ bị đau rát họng, đau khi nuốt, khản tiếng, sổ mũi, ngạt mũi.

Với trẻ sơ sinh thì có biểu hiện quấy khóc, bỏ bú, ho khan.

Với trẻ lớn hơn thì có biểu hiện đau đầu, ù tai, chán ăn, người mệt mỏi.

Hạch góc hàm hai bên có thể sưng đau, khi sờ ấn vào đó trẻ sẽ kêu đau hoặc khóc ré lên.

2. Cần làm gì khi trẻ bị viêm họng sốt cao?

Đây là một vấn đề nan giải đối với không ít các bậc phụ huynh. Khi trẻ bị viêm họng sốt cao liên tục thì bố mẹ không nên lo lắng quá, thay vào đó cần phải bình tĩnh để có thể xử lý một cách thích hợp, đúng đắn nhất.

Vì nguyên nhân chủ yếu gây viêm họng ở trẻ nhỏ là do virus, nên việc điều trị chủ yếu là điều trị các triệu chứng như hạ sốt, giảm đau…

2.1. Theo dõi nhiệt độ và hạ sốt cho trẻ khi cần thiết

Trước tiên, cha mẹ cần cho trẻ nằm nghỉ ngơi trong phòng kín gió, nới rộng quần áo của bé, kiểm tra nhiệt độ của bé thường xuyên.

Nếu như bé sốt dưới 38,5 độ C, thì cha mẹ có thể lấy nước âm thấm vào khăn lau người cho trẻ, chủ yếu lau các vùng cổ, nách, bẹn, lòng bàn tay, bàn chân hai bên của trẻ để hạ nhiệt độ, mà không cần dùng thuốc.

Nếu như trẻ sốt cao trên 38,5 độ C thì cần phải sử dụng thuốc hạ sốt. Nên sử dụng các thuốc hạ sốt đơn chất như Paracetamol với liều 10mg/kg cân nặn/lần, sau 4-6 tiếng nếu trẻ vẫn sốt trên 38,5 độ C mới sử dụng lại.

Tuyệt đối không cho trẻ uống thuốc Aspirin, vì thuốc này có nguy cơ gây ra hội chứng Reye ở trẻ em, một căn bệnh não nguy hiểm.

Đồng thời cho trẻ súc miệng, súc họng bằng nước muỗi ấm loáng thường xuyên.

2.2. Bù nước đầy đủ cho trẻ

Trẻ bị viêm họng sốt cao dẫn đến tình trạng mất nước và các chất điện giải. Vì vậy phụ huynh cần cho trẻ uống nhiều nước, nếu có thể cho trẻ uống nước hoa quả, hoặc oresol để bù lại lượng nước và điện giải đã mất cho trẻ.

2.3. Cung cấp đầy đủ dinh dưỡng cho trẻ

Khi trẻ bị viêm họng sốt cao thường sẽ chán ăn, vì thế mẹ nên nấu cho bé những món ăn bổ dưỡng, dễ ăn như cháo, súp gà…

Nên chia bữa ăn thành nhiều bữa nhỏ, không nên cho trẻ ăn quá nhiều trong một bữa.

Nếu trẻ còn bú thì mẹ cần tăng cường cho bé bú nhiều hơn để tăng cường sức đề kháng của trẻ.

Trên đây là những việc các bậc phụ huynh có thể làm tại nhà khi trẻ bị viêm họng sốt cao. Tuyệt đối không được tự ý cho trẻ uống thuốc kháng sinh để điều trị bệnh, khi chưa có chỉ định của bác sĩ chuyên khoa.