Viêm phổi là tình trạng nhiễm trùng nhu mô phổi, gây ho, sốt và khó thở. Đây là bệnh lý nặng, đặc biệt là ở trẻ em. Nguyên nhân gây viêm phổi có thể là vi khuẩn, virus, nấm, ký sinh trùng. Các tác nhân gây viêm phổi thay đổi theo lứa tuổi: Ở trẻ em trên 5 tuổi thì viêm phổi do vi khuẩn là thường gặp hơn cả. Ở trẻ nhỏ và trẻ dưới 5 tuổi, viêm phổi do virus thường gặp nhiều hơn.

Viêm phổi là một trong những căn bệnh gây tử vong nhiều nhất cho trẻ em trên thế giới, đặc biệt là trẻ em các nước nghèo và đang phát triển. Làm thế nào để nhận biết trẻ bị viêm phổi, điều trị làm sao và chăm sóc như thế nào?

1. Tại sao trẻ nhỏ hay bị viêm phổi

Viêm phổi là một bệnh thường gặp trong cộng đồng, tuy nhiên tỉ lệ mắc và bị nặng ở trẻ em cao hơn ở các nhóm đối tượng khác. Để lý giải điều này, chúng ta cần xem xét đến đặc điểm bộ máy hô hấp của trẻ:

– Bộ máy hô hấp ở trẻ hình thành từ tuần thứ 4 của bào thai và phổi bắt đầu hoạt động từ lúc trẻ cất tiếng khóc chào đời. Sau đó, cấu trúc và chức năng của các cơ quan phát triển, hoàn thiện dần theo từng thời kì. Bệnh hô hấp ở trẻ do đó cũng không giống nhau ở từng lứa tuổi và rất khác biệt so với người lớn.

– Ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ, đường hô hấp nhỏ hẹp và ngắn. Khi bị viêm dễ gây phù nề niêm mạc đường thở nên trẻ hay gặp các tình trạng khó thở và viêm nhiễm dễ dàng lan rộng ra xung quanh. Đó là lí do tại sao khi trẻ bị viêm phổi bệnh thường tiến triển rất nhanh và nặng.

– Dưới 1 tuổi, số lượng phế nang của bé vẫn còn ít, mỗi khi hít thở hầu như tất cả phế nang đều hoạt động và hoạt động nhanh hơn bình thường để bù cho nhu cầu oxy/kg cân nặng cao hơn ở người lớn. Quá trình này nếu tăng cao, nhịp thở tăng quá nhanh, về lâu dài sẽ khiến trẻ kiệt sức và có thể bị suy hô hấp rất nguy hiểm.

– Khi trẻ lớn hơn, cơ quan hô hấp phát triển nhanh và hoàn thiện dần. Vậy nên khi trẻ hơn 5 tuổi, tỉ lệ bị viêm phổi cũng giảm hẳn, cùng với đó các biến chứng nặng nề cũng ít gặp hơn.

– Như vậy, ở trẻ nhỏ, các cơ quan chức năng của cơ thể đều còn non yếu và chưa hoàn thiện như người lớn, dễ dàng bị những ảnh hưởng từ môi trường bên ngoài. Khi chăm sóc trẻ, chúng ta cần chú ý cẩn thận với tất cả những dấu hiệu bất thường trong sức khỏe của bé để kịp thời có biện pháp xử lý.

– Viêm phổi là một bệnh rất thường gặp, chiếm tỷ lệ cao là ở trẻ nhỏ. Nếu được chữa trị kịp thời thì trẻ có thể khỏi và hổi phục sau 2 tuần. Tuy nhiên nếu phát hiện muộn và điều trị không cách đúng thì nguy cơ tử vong rất cao đặc biệt với trẻ dưới 1 tuổi.

2. Cách nhận biết trẻ bị viêm phổi

Cha mẹ nên cảnh giác nếu thấy trẻ xuất hiện một số biểu hiện như:

– Thở nhanh – là dấu hiệu có giá trị chuẩn đoán trẻ bị viêm phổi cao nhất. Cha mẹ có thể theo dõi và đếm nhịp thở của trẻ để đánh giá tình trạng bệnh. Cách làm: Hãy để con ngủ yên, bạn đếm khi trẻ không sốt hoặc chỉ sốt nhẹ (dưới 38 độ). Kéo áo con lên quan sát bụng và ngực con. Mỗi lần bụng trẻ nhô lên hụp xuống tính là 1 nhịp thở, bạn phải đếm đúng trong vòng 1 phút.

Đối với trẻ sơ sinh nhịp thở không đều nên cha mẹ cần đếm nhịp thở của trẻ 1 vài lần.

+ Với trẻ dưới 2 tháng tuổi: nhịp thở lớn hơn 60 lần/phút

+ Với trẻ 2 – 12 tháng tuổi: nhịp thở lớn hơn 50 lần/phút

+ Trẻ 1 – 5 tuổi: Nhịp thở là lớn hơn 40 lần/phút

Không phải tất cả trẻ con bị viêm phổi đều có triệu chứng giống nhau. Nhưng nếu đứa trẻ có tình trạng thở nhanh như ở trên và có cả 2 triệu chứng là ho và sốt thì có khả năng trẻ bị viêm phổi. Nên đưa trẻ đến gặp bác sĩ ngay.

– Rút lõm lồng ngực: Hiện tượng, rút lõm lồng ngực là khi trẻ sơ sinh bị viêm phổi nặng. Để phát hiện ra dâu hiệu viêm phổi này ở trẻ, cha mẹ nhìn vào phần lõm dưới lồng ngực khi trẻ hít vào thở ra.

Đối với trẻ dưới 2 tháng tuổi thì việc rút lõm lồng ngực nhẹ chưa thể khẳng định là viêm phổi. Bởi ở độ tuổi này lồng ngực trẻ còn mềm, khi thẻ thở cũng có thể lồng ngực hơi lõm. Còn nếu biểu hiện rút lõm lồng ngực thấy rõ thì chắc chắn đây là biểu hiện viêm phổi ở trẻ.

– Một số biểu hiện khác:

+ Trẻ sốt cao dai dẳng: Trẻ bị sốt cao thường là do virus và vi khuẩn gây ra. Một số trẻ bị sốt cao kèm theo co giật, mệt mỏi mất nước, trẻ quấy khóc, bỏ bủ… Nếu đang điều trị 3 ngày liên tục trẻ vẫn có biểu hiện sốt cao trên 39 độ C, cần đưa trẻ đến các cơ sở y tế ngay, rất có thể trẻ đã bị viêm phổi.

+ Bỗng dưng tím tái: Đây là hiện tượng cơ thể trẻ bỗng dưng nhợt nhạt, tím tái từ mặt, chân, tay cho đến thân mình. Đây là dấu hiệu trẻ bị rối loạn hô hấp, cần đưa đi cấp cứu càng sớm càng tốt.

+ Bé không mở mắt, không tiếp xúc hay phản ứng với mẹ: Đây là dấu hiệu cho thấy bé đang quá mệt mỏi, đã rơi vào tình trạng li bì. Không có lí do gì để mẹ giữ bé ở nhà trong trường hợp này.

+ Bé bị khò khè: Khò khè cũng hay gặp ở trẻ viêm phổi, tuy nhiên đây cũng là triệu chứng của bệnh hen suyễn. Vậy nên để chuẩn đoán tình trạng của trẻ cần cho trẻ đi thăm khám ngay.

Ngoài ra, cha mẹ cũng nên cảnh giác nếu trẻ có các biểu hiện phập phồng cánh mũi, thở rên, bú kém… Bởi tùy theo độ nặng nhẹ, độ tuổi của trẻ mà cách nhận biết trẻ bị viêm phổi cũng khác nhau.

Còn nếu trẻ có những biểu hiện viêm phổi như ho, chay nước mũi, thở bằng miệng… Nhưng không có triệu chứng thở nhanh, co rút lồng ngực thì có khả năng bé bị những bệnh khác. Để tránh những nhầm lẫn đáng tiếc ảnh hưởng đến sức khỏe và tính mạng của con. Cha mẹ vẫn nên cho trẻ đi thăm khám kỹ càng.

3. Lưu ý khi chăm sóc trẻ bị viêm phổi tại nhà

Hầu hết trẻ em bị viêm phổi do vi khuẩn sẽ cảm thấy tốt hơn sau 2-3 ngày điều trị bằng kháng sinh. Tuy nhiên trẻ có thể sẽ vẫn cảm thấy mệt và ho tới vài tuần sau đó, có khi cả tháng sau khi được điều trị.

Do vậy, việc chăm sóc cho trẻ tại nhà tốt nhất là: Cố gắng giữ cho trẻ được thoải mái nhất có thể và chắc chắn rằng trẻ được nghỉ ngơi nhiều. Nên khuyến khích trẻ uống nhiều nước. Đối với nhũ nhi và trẻ nhỏ, bạn nên cho trẻ từng lượng nước nhỏ chứ không cần quá nhiều cùng một lúc.

Cung cấp đủ nước cho bé thông qua sữa, nước uống trực tiếp, cháo, soup… Theo dõi tình trạng đi tiểu của bé để xem lượng nước cung cấp có đủ không. Nếu bé tiểu ít, nước tiểu vàng có thể là do thiếu nước.

Vệ sinh mũi: Thường các trẻ viêm phổi hay kèm theo viêm hô hấp trên nên bạn có thể vệ sinh mũi cho trẻ bằng nước muối sinh lý, hoặc dạng xịt phun sương, lấy nhầy mũi bằng bấc sâu kèn.

Giảm ho an toàn: Không cho con bạn uống các thuốc có tác dụng giảm ho. Những thuốc này thường là không hiệu quả và có thể làm trẻ nặng hơn do các tác dụng không mong muốn của thuốc.

Bạn phải hiểu rằng, ho là phản xạ tự nhiên để bảo vệ đường hô hấp của cơ thể. Ho giúp tống đờm và vi khuẩn ra ngoài cơ thể, giúp làm sạch đường hô hấp để bệnh nhanh khỏi hơn. Tất cả những nỗ lực bằng mọi cách để giảm ho cho trẻ sẽ gây hại hơn cho trẻ. Chỉ một số trường hợp hãn hữu mới cần thuốc giảm ho, điều này sẽ do bác sĩ quyết định.

Làm ẩm không khí trong phòng hỗ trợ niêm mạc hô hấp, tránh nằm máy lạnh ở nhiệt độ quá thấp.

Hãy gọi cho bác sĩ nếu con bạn không tốt hơn sau 2 ngày điều trị (có thể phải điều chỉnh cách điều trị). Dấu hiệu cho thấy tình trạng của trẻ tốt hơn (đáp ứng với thuốc) thường là hết sốt, thở bớt mệt, ăn khá hơn.