Viêm thanh quản là một bệnh thường gặp và do nhiều nguyên nhân. Trong đó, thời tiết thay đổi đột ngột là điều kiện để các yếu tố nguy cơ tấn công và gây bệnh. Bệnh xảy ra ở mọi lứa tuổi nhưng gặp nhiều hơn ở người trưởng thành, trong đó người cao tuổi chiếm tỉ lệ đáng kể.

1. Cấu tạo thanh quản

Thanh quản là một phần của hệ thống hô hấp được cấu tạo bởi các sụn nối với nhau bằng các khớp, các màng, các dây chằng và các cơ. Trong đó có 2 dây thanh âm sẽ rung chuyển và phát ra âm thanh dưới tác động của luồng không khí đi qua.

Thanh quản nằm ở trước thanh hầu, đối xứng với đốt sống thứ 3 tới thứ 6, nối hầu với khí quản. Bên trong, thanh quản được phủ bởi niêm mạc liên tục với niêm mạc hầu, niêm mạc khí quản và tạo nên các xoang cộng hưởng âm thanh. Thanh quản không chỉ giúp ích cho việc phát âm mà còn ngăn chặn thức ăn rơi vào phổi khi ăn uống.

2. Viêm thanh quản là gì?

Viêm thanh quản là tình trạng dây thanh âm (những nếp gấp màng nhầy trong thanh quản) hoặc toàn bộ niêm mặc phủ thanh quản bị viêm, sưng nề dẫn khiến người bệnh bị khàn hoặc mất giọng. Đôi khi viêm thanh quản có thể gây khó thở do hiện tượng sưng nề nặng, thường gặp ở trẻ em. Tuy không phải là một bệnh nguy hiểm và khó chữa, nhưng nó gây khó chịu cho bệnh nhân bởi hạn chế khả năng nói.

Viêm thanh quản thường kéo dài trong 2 – 3 tuần rồi kết thúc, nhưng nếu bệnh kéo dài lâu hơn và không được điều trị đúng sẽ trở thành viêm thanh quản mạn tính.

Viêm thanh quản mạn tính tốn nhiều thời gian để bình phục. Quá trình này phụ thuộc vào nguyên nhân gây bệnh, phương pháp điều trị và sức khỏe người bệnh, nhất là người cao tuổi.

3. Nguyên nhân gây viêm thanh quản

Có nhiều nguyên nhân khác nhau gây nên viêm thanh quản như:

– Viêm thanh quản do thời tiết thay đổi đột ngột là hay gặp nhất. Đặc biệt là khi thời tiết đang nóng chuyển sang lạnh hoặc bị lạnh đột ngột (uống nước lạnh, nước đá, đang nóng vào phòng máy lạnh).

– Bệnh cảm lạnh thông thường do siêu vi hoặc các nhiễm trùng khác ở vùng hầu họng là nguyên nhân gây bệnh thường gặp nhất ở cả trẻ em và người lớn.

– Khi la hét hoặc nói to, nói nhiều quá mức cũng gây viêm thanh quản. Trường hợp này không phải do nguyên nhân nhiễm trùng mà hay gặp ở người lớn, những người phải sử dụng giọng nói nhiều trong quá trình làm việc như giáo viên, ca sĩ, phát thanh viên…

– Hít phải hóa chất, ví dụ như chất tẩy rửa hoặc xăng dầu. Những công nhân bán xăng hay người làm việc ở xưởng hóa chất hay bị ảnh hưởng bởi tác nhân này.

– Uống quá nhiều rượu, bia (bia lạnh) hoặc hút quá nhiều thuốc lá.

– Mắc các bệnh nhiễm trùng đường hô hấp (viêm phế quản, viêm phổi…), bệnh viêm xoang, bệnh trào ngược dạ dày thực quản (khi luồng trào ngược có độ acid cao sẽ gâ y viêm thanh quản).

– Ngoài ra, có một số tình trạng không phải viêm thanh quản nhưng cũng có thể gây ra khan tiếng, thậm chí tắt tiếng, chẳng hạn như: Bất thường cấu trúc bẩm sinh dây thanh âm, nguyên nhân này thấy ở trẻ nhỏ mới sinh trong những tháng đầu; những rối loạn của cơ ảnh hưởng tới phát âm; ung thư hầu họng. Người cao tuổi bị lão hóa dây thanh âm hoặc do tê liệt dây thanh âm (kết quả của chấn thương, đột quỵ, khối u phổi…).

4. Triệu chứng

Tùy nguyên nhân gây bệnh mà có biểu hiện khác nhau, tuy nhiên đặc điểm chung của người bị viêm thanh quản gồm có:

– Thay đổi giọng nói (trầm, khàn hoặc mất giọng). Bị khàn tiếng hoặc mất giọng thường do vì viêm thanh quản cấp, thanh quản từ trạng thái bị kích thích, nhiễm trùng dẫn đến sưng nề ảnh hưởng đến độ rung của dây thanh âm nhiều hoặc ít (ít sẽ gây khàn tiếng, nhiều sẽ mất giọng).

– Đồng thời có sốt, ho, sưng hạch cổ, đau họng, ngứa rát họng, nuốt vướng, mệt mỏi, chảy nước mũi hoặc nghẹt mũi. Là biểu hiện hay gặp nếu viêm thanh quản do nhiễm trùng hô hấp. Nếu không có các biện pháp điều trị thích hợp bệnh sẽ chuyển sang dạng mạn tính.

– Ợ hơi, ợ chua, đau – nóng rát sau xương ức là biểu hiện của chứng trào ngược dạ dày.

– Khan tiếng mạn tính, từ từ tăng dần hay gặp ở người lớn hút thuốc lá, uống rượu nhiều hay đặc thù công việc phải tiếp xúc với hóa chất hoặc nói nhiều.

– Có một số trường hợp, khi biểu hiện của bệnh không rõ ràng và khó xác định, bác sĩ cần soi thanh quản để xác định nguyên nhân gây viêm thanh quản, thông qua nội soi có thể thấy được bất thường thanh quản như hạt xơ dây thanh, viêm mạn tính do trào ngược dạ dày, khối u… Tuy nhiên, đối với trẻ nhỏ soi thanh quản thường khó thực hiện, xét nghiệm máu có thể giúp bác sĩ xác định tác nhân gây viêm thanh quản là vi khuẩn hay virus.

5. Biến chứng

Bị viêm thanh quản mạn tính, ảnh hưởng đến giọng nói gây khó khăn trong giao tiếp hàng ngày, đặc biệt ở những người cần phải nói nhiều. Có thể xuất hiện các khối u thực thể ở thanh quản khi bị viêm như: hạt xơ dây thanh, u nang dây thanh, polyp dây thanh sẽ gây ra căng dây thanh âm, thương tích hoặc tăng trưởng trên các dây thanh âm và nguy hiểm nhất là ung thư thanh quản…

Để chẩn đoán viêm thanh quản không mấy khó khăn với chuyên khoa tai mũi họng nhưng để xác định nguyên nhân lại không đơn giản. Chẩn đoán viêm thanh quản thì cần nội soi, xét nghiệm máu. Những trường hợp nghi ngờ dây thanh âm có vấn đề (u, hạt, sần sùi…) cần sinh thiết để xét nghiệm tế bào.

6. Nguyên tắc điều trị

– Hầu hết các trường hợp viêm thanh quản cấp tính do lạnh, dị ứng có thể tự khỏi. Người bệnh chỉ cần hạn chế nói, nghỉ ngơi và uống đủ lượng nước cần thiết (ngày uống từ 1,5 – 2,0 lít), ăn hoặc uống thêm nước ép trái cây.

– Lý tưởng nhất là dựa vào nguyên nhân để điều trị: Với người bệnh cần khám bệnh càng sớm càng tốt, nhất là người cao tuổi để được chẩn đoán bệnh và điều trị sớm ngày nào tốt ngày ấy. Không nên tự chẩn đoán và tự mua thuốc điều trị sẽ rất nguy hiểm.

– Tùy thuộc nguyên nhân gây bệnh, người bệnh có thể làm những điều dưới đây để góp phần giảm nhẹ và nhanh khỏi bệnh:

+ Nếu viêm thanh quản do sử dụng giọng nói quá mức, thì nghỉ ngơi, hạn chế phát âm quá nhiều quá mạnh sẽ giúp bệnh thuyên giảm.

+ Nếu viêm thanh quản do thói quen uống rượu hay hút thuốc quá nhiều, tốt hơn cả là từ bỏ nó hoặc giảm bớt càng nhiều càng tốt.

+ Nếu viêm thanh quản do hít phải hóa chất, hãy tránh những hóa chất đó nếu có thể. Nếu không thể tránh, ít nhất cũng phải đảm bảo rằng bạn hít không khí sạch nhiều hơn. Nếu công việc của bạn phải ở gần khói hóa chất hãy dùng khẩu trang hoặc quạt thông gió để hạn chế bụi hóa chất đi vào làm tổn thương thanh quản của bạn.

+ Nếu viêm thanh quản gây ra bởi trào ngược acid từ dạ dày lên, cần điều trị bệnh này trước tiên.

+ Đối với trẻ em, thường viêm thanh quản là do nguyên nhân nhiễm trùng cấp tính, do nhiễm siêu vi. Tùy mức độ nặng hay nhẹ mà bác sĩ sẽ quyết định theo dõi hay can thiệp bằng thuốc. Trong thực hành lâm sàng, với trường hợp có dấu hiệu khó thở bác sĩ sẽ cho khí dung các thuốc chống phù nề thanh quản, thuốc kháng viêm đường uống hoặc tiêm. Nếu tình trạng khan tiếng không thuyên giảm sau 2 tuần thì trẻ cũng cần được đánh giá lại bệnh bởi bác sĩ nhi khoa.

+ Đối với người lớn, tùy thuộc nguyên nhân mà có phương pháp điều trị khác nhau. Nếu viêm thanh quản là hậu quả của cảm lạnh hay nhiễm trùng nhẹ, thường không cần điều trị gì. Tuy nhiên nếu tình trạng khan tiếng không cải thiện sau 2 tuần có thể có một nguyên nhân nào đó khác. Vì thế cũng tùy thuộc nguyên nhân mà bác sĩ chuyên khoa sẽ có hướng xử trí và phác đồ điều trị riêng.

7. Nguyên tắc phòng bệnh

Để phòng viêm thanh quản cấp thông thường, cần lưu ý không để bị lạnh đột ngột nhất là vùng cổ và họng. Cần mặc ấm khi trời lạnh, khi ra khỏi nhà, ngoài mặc ấm cho cơ thể cần quàng cổ bằng khăn ấm, đeo khẩu trang để giữ ấm cổ, họng, mũi và tránh bụi. Không uống nước lạnh, bia lạnh. Với người thường hay bị viêm thanh quản, viêm thanh quản mạn tính thì không nên ở lâu trong phòng máy lạnh.