Mùa đông ở miền Bắc lạnh, khô… là điều kiện thuận lợi cho các bệnh đường hô hấp phát triển. Một trong số bệnh hô hấp thường gặp ở cả người lớn lẫn trẻ em vào thời điểm này là viêm họng cấp. Vậy viêm họng cấp là gì và chúng ta cần phải làm gì khi mắc bệnh.

Viêm họng cấp là hiện tượng viêm niêm mạc họng cấp tính – viêm toàn bộ lớp niêm mạc phủ bề mặt của họng. Bệnh xảy đến một cách đột ngột bởi một số tác nhân như vi khuẩn (tụ cầu, phế cầu, liên cầu, Hemophillus influenzae…), virus (sởi, Adenovirus, cúm…).


1. Nguyên nhân và biểu hiện của bệnh

Viêm họng cấp là viêm toàn bộ lớp niêm mạc phủ bề mặt của họng thường gặp ở cả người lớn lẫn trẻ em. Đây là bệnh khá phổ biến, hay xuất hiện ở bệnh nhân bị viêm amidan, viêm VA. Nguyên nhân gây bệnh phần lớn là do virus: cúm, sởi, cảm lạnh… hoặc do vi khuẩn: liên cầu, phế cầu hay các vi khuẩn khác sẵn có ở họng. Bệnh thường xảy ra đột ngột sau khi tắm ở những nơi không kín gió, có gió lùa, tắm nước lạnh hoặc tắm xong không lau khô người đã mặc quần áo. Bệnh cũng có thể xuất hiện khi chúng ta đang ở trong nóng chuyển sang ngồi phòng máy lạnh hay khi gặp thời tiết thay đổi thất thường, lúc giao mùa từ nóng sang lạnh hoặc ngược lại.

Các triệu chứng của viêm họng cấp do virus bao gồm: Sốt (có thể có sốt hoặc không sốt, sốt từ nhẹ đến cao); chảy nước mũi, nghẹt mũi; đỏ mắt, tiết nước mắt, sưng mắt; ho khan tiếng, cảm thấy đau ở phần cuối của miệng, đau khi nuốt vào. Ở trẻ em có thể dễ ói, đặc biệt sau ăn, một số trẻ có kèm theo tiêu phân lỏng, phát ban ngoài da.

Viêm họng do vi khuẩn: Liên cầu beta tan huyết nhóm A là vi khuẩn gây viêm họng cấp hay gặp nhất, chiếm 10% ở người lớn và lên đến 30% các trường hợp viêm họng cấp ở trẻ em vào mùa đông. Các triệu chứng viêm họng do vi khuẩn bao gồm: Đau họng; sốt (thường trên 38 độ); sưng đau hạch cổ; họng sưng có xuất hiện mủ; có những chấm đỏ xuất huyết trên vòm họng. Trẻ em có thể phát ban trên da, có thể đau bụng, buồn nôn, nôn, tiêu lỏng… Viêm họng do liên cầu khuẩn A thường không có sổ mũi, ho hay đỏ mắt kèm theo. Bệnh phổ biến ở trẻ trên 5 tuổi tuy nhiên trẻ nhỏ hơn cũng có thể bị.

Viêm họng cấp tính nếu như không điều trị tích cực có thể kéo dài 7 – 10 ngày và dễ gây ra những biến chứng như: viêm tai, viêm amidan, viêm xoang, viêm phế quản, viêm thanh quản, VA quá phát ở trẻ nhỏ và nguy hiểm hơn là có thể bị nhiễm khuẩn huyết. Nhiều trường hợp bị viêm họng cấp do vi khuẩn liên cầu nhóm A có thể gây ra viêm cầu thận thấp, thấp tim. Viêm họng cấp nếu như không được phát hiện và điều trị ngay thì rất dễ chuyển sang viêm họng mãn tính, dễ tái đi tái lại nhiều lần.


2. Điều trị như thế nào?

Viêm họng cấp khi điều trị cần khắc phục triệu chứng là chính. Và tùy vào nguyên nhân gây viêm họng là virus hay vi khuẩn mà có phác đồ điều trị khác nhau.

Thông thường viêm họng cấp gồm 2 dạng là viêm họng do vi khuẩn và viêm họng do virus. Với mỗi trường hợp này lại có những loại thuốc điều trị khác nhau:

* Trường hợp viêm họng do viêm họng do virus thì không nên dùng thuốc kháng sinh. Vì kháng sinh không có tác dụng tiêu diệt virus nên không phát huy tác dụng chữa bệnh. Hơn nữa, còn có thể gây tác dụng phụ có hại cho sức khoẻ. Những loại thuốc thường được sử dụng để chữa trị viêm họng do virus bao gồm:

– Nhóm thuốc hạ sốt: Khi viêm họng gây sốt cao trên 38 độ C thì cần dùng thuốc hạ sốt như: aspersic, paracetamol, efferalgan…

– Nhóm thuốc điều trị triệu chứng ho: những loại thuốc có tác dụng giảm ho như: siro ho, thuốc ho bổ phế… Tuy nhiên, không nên quá lạm dụng loại thuốc này để cắt cơn ho vì ho cũng là một phản ứng cần thiết để đẩy virus, đờm có trong cổ họng ra ngoài.

– Nhóm thuốc chống viêm, tiêu đờm: thường bao gồm những loại thuốc như: alpha-thymotrypsin, mucosoval, mucomyst….

– Nhóm thuốc giúp ổn định độ pH – trung hoà axit trong miệng như: oropivalon, locatiotal, rhinathiol haylysopain….

– Ngoài ra, cũng cần tăng cường uống nhiều nước, ăn hoa quả, bổ sung nhiều vitamin C tăng cường sức đề kháng cho cơ thể, giúp cơ thể nhanh đẩy lui bệnh.

* Trường hợp viêm họng cấp do vi khuẩn liên cầu thì ngoài thuốc điều trị triệu chứng, bệnh nhân sẽ được điều trị bằng kháng sinh. Thời gian điều trị kháng sinh thường là 10 ngày. Một số loại kháng sinh thường được dùng trong trường hợp này gồm: cephalexin, amoxicillin, erythromycin… hoặc có thể phùng phương pháp khí dung mũi họng bằng các dung dịch chứa tinh dầu bạc hà, thuốc chống viêm…

– Trường hợp bị viêm họng do vi khuẩn được điều trị đúng kháng sinh thì bệnh sẽ dần thuyên giảm sau khoảng 2 – 3 ngày. Nếu sau 2 – 3 ngày mà bệnh không khỏi thì cần đi khám lại để bác sỹ chỉ định loại thuốc thích hợp hơn tránh để bệnh kéo dài rất dễ gây biến chứng nguy hiểm.

– Không khuyến cáo sử dụng các thực phẩm, vitamin hay các chế phẩm khác được quảng cáo trên internet hay các cửa hàng nhằm mục đích giảm đau họng. Do sự phơi nhiễm hóa chất cũng như thông tin về liều lượng không chính xác, thiếu các nghiên cứu về độ an toàn cũng như hiệu quả của các sản phẩm này.


3. Khi nào cần gặp bác sĩ?

Bạn không nên tự phán đoán bệnh của mình hay tự mua thuốc điều trị viêm họng. Khi bị viêm họng, nếu có bất kỳ biểu hiện nào sau đây hãy đến gặp bác sĩ ngay: Cảm thấy khó thở, phát ban ngoài da, khó nuốt, chảy nước miếng, sưng phù vùng cổ hoặc lưỡi, cứng cổ hoặc rất khó mở miệng, có bệnh nền sẵn như bệnh suy giảm miễn dịch, bệnh tim bẩm sinh…

Hãy đến bác sĩ để được thăm khám và điều trị kịp thời tránh những biến chứng nghiêm trọng hơn có thể xảy ra.