Ở nước ta, số người mắc bệnh viêm Amidan chiếm tới 30%. Một số trường hợp bị viêm amidan có thể tự khỏi khi cơ thể đủ sức đề kháng để chống chọi lại với bệnh nhưng rất hiếm gặp. Còn một số vì quá chủ quan nên đã để lại những biến chứng nguy hiểm không đáng có.
Viêm amidan là gì
Amidan nằm ở phía sau của cổ họng, nơi được cho là vị trí giao nhau giữa đường ăn và đường thở. Có 2 khối mô được gọi là amidan đóng vai trò là cửa ngõ để ngăn virus, vi khuẩn xâm nhập vào cơ thể gây bệnh. Đồng thời, chúng cũng có chức năng sản sinh ra các kháng thể tự nhiên để chống lại sự viêm nhiễm.
Tuy nhiên, trong một số trường hợp khi có quá nhiều vi khuẩn hay vi rút xâm nhập khiến cho đề kháng lúc đó của cơ thể không thể chống chọi lại được với sức công phá quá lớn. Hàng phòng ngự thất thủ khiến cho amidan bị quá tải, sưng lên và bị viêm. Tình trạng đó gọi là viêm amidan.
Viêm amidan là trạng thái amidan bị sưng tấy, ửng đỏ do chống lại sự xâm nhập ồ ạt, quá mức của các vi khuẩn, vi sinh vật gây bệnh vào mũi họng. Hậu quả thường để lại xác vi khuẩn, vi sinh vật gây bệnh và xác bạch cầu do sự tập trung tiêu diệt chúng tại amidan, lâu dần hình thành những cục mủ hôi tanh.
Đây là căn bệnh hô hấp thường gặp ở cả trẻ nhỏ (chiếm tỷ lệ cao) lẫn người lớn thường do vi khuẩn gây ra hoặc do thói quen sinh hoạt và chế độ dinh dưỡng không hợp lý khiến sức đề kháng của cơ thể kém đi.
Nguyên nhân gây bệnh viêm amidan?
Có rất nhiều nguyên nhân gây viêm amidan, nhưng chủ yếu là do các nguyên nhân dưới đây:
1. Viêm Amidan do vi khuẩn và virus
Đây được xem là nguyên nhân chủ yếu gây ra bệnh viêm amidan. Khi thời tiết giao mùa, trời chuyển lạnh đột ngột khiến cơ thể chưa kịp thích nghi. Đây chính là cơ hội phát triển cho các loại vi khuẩn và virus có sẵn ở mũi họng hoặc sau khi xuất hiện các bệnh nhiễm khuẩn của đường hô hấp trên như cúm, sởi, ho gà,…
Ước tính có khoảng từ 15-30% các ca mắc bệnh viêm amidan là do vi khuẩn (theo thống kê). Trong đó, nhiều nhất là liên cầu khuẩn, nguy hiểm hơn là liên cầu tan huyết nhóm A; ngoài ra còn có xoắn khuẩn, tụ cầu, các chủng yếm khí và ái khí. Nhưng nguyên nhân chủ yêu gây nên bệnh vẫn là và chúng chiếm phần còn lại. Điển hình có Eppstein-Barr – virus này không chỉ gây viêm amidan mà còn có thể dẫn tới bệnh bạch cầu đơn nhân. Ngoài ra có một số trường hợp diễn tiến xấu tới giai đoạn ung thư amidan mà người bệnh không hề hay biết.
2. Viêm amidan do tạng bạch huyết
Ở một số đối tượng, đặc biệt là trẻ nhỏ khi cơ thể có tổ chức bạch huyết phát triển mạnh hơn bình thường khiến cho số lượng hạch ở vùng cổ và họng tăng lên rất nhiều. Điều này, không những không giúp cơ thể khỏe mạnh, ngược lại càng làm cho khu vực này dễ dàng bị viêm nhiễm, từ đó dẫn đến viêm amidan.
3. Viêm amidan do thói quen sinh hoạt và môi trường sống
– Một số người bị viêm amidan do thói quen sinh hoạt không đúng cách. Vệ sinh răng miệng sạch sẽ luôn luôn là điều cần thiết trong việc ngăn ngừa các tác nhân gây bệnh. Tuy nhiên nếu thực hiện việc này không đúng cách, không khoa học thì không những không có tác dụng mà còn phản tác dụng và gây nên nhiều chứng bệnh trong đó có bệnh viêm amidan.
– Yếu tố môi trường sống xung quanh cũng có khả năng gây tổn thương đến vùng họng của bạn. Nếu môi trường quá ô nhiễm, nhiều khói bụi, chất độc hại,… hoặc môi trường làm việc nhiều hóa chất thì cũng khiến bạn có nguy cơ gặp phải các vấn đề về đường hô hấp. Vì như đã nói ở trên, họng là phòng tuyến đầu tiên chống chọi với vi khuẩn, virus bên ngoài vào trong quá trình hô hấp và ăn uống.
Nhận biết dấu hiệu và triệu chứng của bệnh viêm amidan
– Những người bị viêm amidan có amidan sưng và bị bao phủ bởi những chấm trắng, họng sẽ đỏ. Người bệnh có thể bị sốt cao, ai nặng còn có thể bị nổi hạch ở dưới hàm và cổ.
– Người bệnh sẽ xuất hiện những cơn đau đầu, giọng nói cũng có thể bị thay đổi hoặc mất tiếng.
– Người bệnh thấy đau họng và có thể kết hợp với triệu chứng khó nuốt. Tình trạng này có thể sẽ lan lên hai bên tai khiến người bệnh vô cùng khó chịu, bất tiện.
– Người bị viêm amidan thường có hơi thở hôi và khó ngửi.
Phòng ngừa và khắc phục viêm amidan cách nào hiệu quả
– Để có thể phòng ngừa viêm amidan một cách hiệu quả thì bạn giữ thói quen vệ sinh răng miệng có khoa học. Vệ sinh răng miệng là cách phòng bệnh tối ưu nhất, bên cạnh đó để bảo đảm sức khỏe răng miệng thì bạn nên tới nha sĩ kiểm tra thường xuyên đồng thời kết hợp chế độ ăn uống lành mạnh.
– Bổ sung nhiều vitamin C vào chế độ ăn uống hàng ngày để tăng cường hệ miễn dịch của cơ thể, giúp chống viêm nhiễm. Các loại thực phẩm giàu vitamin C gồm: xoài, cam, ớt chuông, bông cải xanh, các loại rau có lá màu xanh…
– Không ăn uống các thực phẩm quá nóng hoặc quá lạnh. Tập bỏ hút thuốc lá và bỏ rượu cũng như các thói quen không lành mạnh khác và thường xuyên súc miệng với nước muối ấm. Bên cạnh đó thì việc kết hợp tập luyện thể dục thể thao thường xuyên cũng giúp tăng đề kháng để cơ thể tránh khỏi nguy cơ mắc bệnh.
– Với hầu hết các trường hợp, viêm nhiễm thường gây ra do virut và chỉ cần điều trị triệu chứng bằng paracetamol để hạ sốt. Còn lại một số ít bệnh nhân bị viêm amidan do vi khuẩn thì sẽ được điều trị bằng penicillin hoặc erythromycin (nếu bệnh nhân bị dị ứng penicillin). Trường hợp dùng kháng sinh trong 2-3 ngày đã hết sốt thì người bệnh vẫn cần phải tiếp tục uống thuốc cho đủ liều theo phác đồ điều trị, tránh tình trạng bị kháng thuốc cho những lần viêm nhiễm tiếp theo.
Trên là những thông tin căn bản nhất về bệnh viêm amidan và cách phòng bệnh hiệu quả. Bạn có thể căn cứ vào đây để biết cách phòng tránh bệnh cho chính mình cũng như cho người thân.