Sơn đậu căn là vị thuốc nam quý, được sử dụng rộng rãi trong y học cổ truyền. Sơn đậu căn có tác dụng thanh nhiệt giải độc, tiêu thũng, lợi hầu họng, dùng trị các bệnh sốt do viêm nhiễm đường hô hấp, viêm amidan…

1. Tổng quan về cây sơn đậu căn

Tên: Sơn Đậu Căn

Tên gọi khác: Quảng đậu căn, Cây Quảng đậu, Khổ đậu, Hòe Bắc Bộ.

Tên khoa học: Pophora subprosrlata Chu etT. Chen

Họ: Đậu (Lleguminosae)

Mô tả: Cây bụi cao 0,5-0,2m, có nhánh nhăn, có lông nằm ngắn. Lá chét 5-7 mọc đối, nguyên, mép hơi lượn sóng hay có răng, dài 6-15cm, rộng 3-8cm, tù ở gốc, nhọn ở đầu, nhẵn ở trên, có lông ở mặt dưới; gân bên 9 đôi; cuống lá chét 2-5mm; lá kèm 3mm. Chùm hoa đứng cao 5-12cm, đối diện với một lá, ngắn hơn lá; cuống 4-6mm, lá bắc 4-5mm; đài hình chuông, không cân ở gốc, có lông, với 5 thuỳ tam giác, tràng hoa cao 1,5-2cm, nhẵn, màu vàng cánh cờ hẹp, gấp lại; các cánh bên và cánh thìa có tai; nhị 2 bó, bầu 5-6mm có 2 noãn. Quả hình trái xoan đen, bóng khi khô, dài 1,2-1,8cm, rộng 0,8-1cm; hạt to, cứng. Hoa quả tháng 2-4.

Bộ phận dùng: Lá, hạt, rễ.

Nơi sống và thu hái: Cây này phân bố ở Ấn Độ, Thái Lan, Việt Nam và Inđônêxia. Người ta gặp nó trong các quần hệ thứ sinh, rú bụi, savan, từ thấp đến độ cao 1800m. Ở nước ta, cây mọc ở khu vực Lâm Đồng, Đồng Nai. Cây sơn đậu căn được thu hoạch vào mùa thu.

Theo Trung Y: Lấy rễ khô ngâm nước 4 – 5 ngày, rửa sạch, bỏ hết tạp chất, rễ nhỏ cắt khúc, rễ to chẻ đôi, ủ độ 4 – 5 ngày cho mềm, thái lát mỏng 1 – 2 ly phơi khô. Rễ to, nhỏ trộn lẫn với nhau mà dùng.

Theo kinh nghiệm Việt Nam: Rửa sạch, ủ mềm 4 – 5 ngày, thái lát mỏng 1 – 2 ly. Còn có thể ngậm vào miệng hoặc mài ra uống.

Thành phần hoá học: Cây chứa alcaloid cytisine cùng nhóm tác dụng với nictoine.

Rễ sơn đậu (Sơn đậu căn) chứa alcaloid, flavonoid; matrin, oxymatrin, anagynin, methylcytisin. Ngoài ra còn có pterocarpin, sophoranon…

2. Công dụng chữa bệnh của sơn đậu căn

Theo y học cổ truyền, sơn đậu căn có vị đắng, tính hàn, hơi có độc (khi dùng cần sao vàng). Nhập vào các kinh: tâm, phế, vị, đại tràng. Có tác dụng thanh nhiệt giải độc, tiêu thũng, lợi hầu họng, dùng trị các bệnh sốt do viêm nhiễm đường hô hấp, viêm amidan, viêm họng, các bệnh mụn nhọt, đặc biệt nhọt độc, phù thũng, răng lợi sưng đau. Ngoài ra còn dùng để trị kiết lỵ, dùng ngoài trị côn trùng, rắn, rết cắn. Ngày dùng 4 – 12g rễ, hoặc 3 – 4,5g vỏ rễ dưới dạng bột hoặc nước sắc, thường phối hợp với một số các vị thuốc khác.

Công dụng:

Ở Thái Lan và Việt Nam, nước sắc lá dùng uống cho dễ sinh đẻ.

Ở Malaixia, hạt cây sơn đậu căn có vị đắng được dùng làm thuốc trị các bệnh về ngực và như là thuốc chống độc và bổ.

Ở Inđônêxia, cây được dùng làm thuốc diệt côn trùng.

Ở Vân Nam (Trung Quốc), rễ được dùng trị viêm ruột, ỉa chảy, đầy bụng, đau dạ dày, đau hầu họng.

Chống chỉ định: Tỳ Vị hư hàn, đại tiện lỏng thì không nên dùng.

3. Ứng dụng lâm sàng của Sơn đậu căn

– Khắc phục các bệnh tại đường hô hấp như viêm amidan, viêm họng, sốt cao, nuốt đau: Vị thuốc Sơn đậu căn 12g kết hợp Kim ngân hoa 12g; Hoàng liên 4g; Hoàng bá 8g. Sắc uống ngày 3 lần. Uống trước ăn 1 giờ.

– Trị viêm amidan cấp tính: Sơn đậu căn kết hợp Ngưu bàng tử, Xạ can, Kinh giới mỗi vị 9g; Phòng phong 6g, Kim ngân hoa 12g, Cam thảo 6g. Sắc uống ngày 3 lần. Uống trước ăn 1 giờ.

– Trị viêm amidan mãn tính: Vị thuốc Sơn đậu căn 15g, Sinh cam thảo 10g, Kim liên hoa 5g. Sắc uống chia 3 lần/ngày. Uống trước ăn 1 giờ. Uống liền trong khoảng 3-4 tuần.

– Trị viêm họng cấp, đau họng Vị thuốc Sơn đậu căn 3g; Xạ can 10g; Nhân sâm 10g; Cát cánh 7g; Cam thảo 2g. Sắc uống ngày 3 lần. Uống trước ăn 1 giờ. Uống liền trong khoảng 1-2 tuần.

– Trị côn trùng, rắn, rết cắn, mụn ngứa: Vị thuốc Sơn đậu căn tán bột mịn, trộn với nước đun sôi để nguội tạo thành hồ nhão, bôi vào vết thương.

– Trị sưng lợi răng: Vị thuốc Sơn đậu căn, Chi tử, Bạch cương tằm mỗi vị 12g; Bạc hà, Kinh giới mỗi vị 6g; Cam thảo dây, Cát cánh, Huyền sâm mỗi vị 8g. Sắc uống ngày 3 lần. Trước bữa ăn 1 giờ.

– Ngoài ra, sơn đậu căn còn được dùng ngoài để trị mụn ngứa, côn trùng, rắn, rết cắn: Sơn đậu căn tán bột mịn, thêm nước đun sôi để nguội thành hồ nhão, bôi vào vết thương. Hoặc sơn đậu căn 12g, hàn the 4g, băng phiến 0,8g. Tất cả tán bột mịn, thêm nước sôi để nguội tạo bột nhão, bôi vào vết thương.

Lưu ý: Đối với những bài thuốc nêu trên người bệnh không nên tùy tiện áp dụng khi chưa có đơn hoặc hướng dẫn của thầy thuốc.