Trẻ nhỏ khi mắc bệnh viêm đường hô hấp trên từ 6 đến 8 lần trong một năm thường có khuynh hướng phát triển thành bệnh viêm xoang. Có hai loại viêm xoang thường thấy ở trẻ là: viêm xoang cấp và viêm xoang mạn. Nếu không được phát hiện và can thiệp kịp thời bệnh sẽ gây những biến chứng nguy hiểm.

Triệu chứng điển hình

Viêm xoang cấp: Hay gặp nhất là các triệu chứng viêm đường hô hấp trên, kéo dài 5-7 ngày. Viêm xoang cấp là khi có các triệu chứng viêm đường hô hấp trên kéo dài trên 10 ngày. Và kèm theo: sốt cao, trên 39 độ C, thở hôi, ho nhiều về ban đêm, sổ mũi, mũi có mủ vàng hay xanh, nhức đầu, đau vùng mặt, sau ổ mắt, đau răng, đau họng. Có thể kèm theo viêm tai giữa cấp.
Viêm xoang mạn tính: Trẻ thường có các triệu chứng sốt từng đợt, sốt không cao, đau họng tái phát, khan tiếng hay ho khạc, tình trạng nặng hơn vào ban đêm. Nghẹt mũi, mũi không ngửi được mùi, nước mũi chảy xuống họng, sưng vùng mặt, chảy máu cam, nhức đầu, ù tai, viêm tai giữa. Các triệu chứng không nghiêm trọng và kéo dài trên 3 tháng.
Thăm khám trẻ, thường thấy: mũi có mủ, thường ở sàn mũi hay ở khe giữa. Niêm mạc mũi phù nề sung huyết, mủ nhầy chảy xuống thành sau họng, ấn đau ở điểm xoang tương ứng.

Nguyên nhân dẫn đến viêm xoang ở trẻ em

Có nhiều nguyên nhân dẫn tới viêm xoang nhưng các nguyên nhân thường thấy nhất chính là
– Môi trường:
+ Phổ biến nhất là không khí ô nhiễm do khói bụi, khí thải… Không khí ô nhiễm làm vùng xoang mũi dễ bị dị ứng, hoặc bội nhiễm.
+ Tiếp đến là do tiếp xúc: Như khi bơi lội tại hồ bơi có chất lượng nước không đảm bảo. Người có bệnh lý tiềm ẩn về vách ngăn hoặc có cơ địa dị ứng thì khi tiếp xúc với nước bẩn thường xuyên cũng sẽ gây viêm xoang.
+ Thay đổi thời tiết lúc giao mùa, sức đề kháng của trẻ kém, không kịp thích nghi cũng khiến trẻ dễ mắc các bệnh đường hô hấp nói chung, viêm xoang nói riêng.
– Dị ứng: viêm mũi xoang dị ứng xuất hiện khi tiếp xúc với các dị nguyên như: bụi, phấn hoa, lông vật nuôi, thực phẩm (trứng, sữa, hải sản…). Thường thấy nhất là do trẻ nhỏ hay đùa nghịch với thú cưng như chó, mèo… lông của chúng lọt vào hốc xoang và gây dị ứng, rồi dẫn tới viêm xoang.
– Sức đề kháng kém: sức đề kháng kém khiến cơ thể trẻ không thể chống lại các tác nhân gây bệnh về đường hô hấp, từ đó dẫn tới viêm xoang. Trong đó nguyên nhân bên trong thường gặp là viêm xoang do sâu răng; máu tụ trong xoang sau chấn thương gây viêm xoang; viêm amidan gây nhiễm trùng ở trẻ em…
Ngoài ra còn có những nguyên nhân tự nhiên như người có cơ địa bệnh lý về polip, niêm mạc thoái hóa tạo thành khối polip trong mũi, trong xoang, dẫn đến viêm xoang do polip.
– Vệ sinh kém: Không rửa tay, rửa mặt, không vệ sinh cá nhân thường xuyên. Hay dùng tay ngoáy mũi hoặc để gỉ mũi lâu ngày vi khuẩn sẽ vào mũi, gây viêm mũi, sau đó viêm xoang.

Cách điều trị?

Viêm xoang ở trẻ em nếu không được điều trị đúng và kịp thời có thể gây nên một số biến chứng. Thường thấy là đau nhức đầu và những triệu chứng khó chịu khác như luôn có cảm giác chất nhầy chảy ra phía sau thành họng.
Một số ít biến chứng nguy hiểm có thể gặp phải như: viêm mắt làm cho trẻ sụp mi, giảm cảm giác giác mạc tạo nên hội chứng đỉnh ở mắt gây đau dữ dội. Cũng có trường hợp tạo thành huyết khối trong các xoang hang nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời có thể gây mù. Một số ít có thể bị ápxe não, viêm màng não, viêm xương…
– Nguyên tắc điều trị:
+ Điều trị triệu chứng
+ Điều trị nguyên nhân.
Điều trị bằng thuốc kháng sinh: Amoxicilline là kháng sinh chọn lựa ban đầu. Kháng sinh thay thế là erythromycine hay bactrim. Nếu bệnh nhân dị ứng với beta lactam có thể dùng Erythromycin hoặc Azithromycin/ Clarithromycin. Dùng kháng histamin, Corticoid tại chỗ khi nghi nguồn gốc do dị ứng.
Thời gian điều trị viêm xoang nên từ 7-14 ngày. Trong trường hợp kháng sinh ban đầu sử dụng trong vòng 2-3 ngày mà các triệu chứng không thuyên giảm thì phải xem lại vấn đề điều trị. Nếu cần có thể phải đổi kháng sinh.
Hỗ trợ điều trị: Hút mũi, rửa mũi, tránh tình trạng ứ đọng trong mũi để giúp mũi thông thoáng, tránh sự lan rộng của dịch tiết. Chống sung huyết, nghẹt mũi để giúp sự dẫn lưu xoang tốt hơn. Nên dùng oxymethazoline 0,05% vì ít tai biến, ở trẻ em chỉ nên dùng theo hướng dẫn của thầy thuốc. Chống phù nề trong mũi để giúp sự dẫn lưu xoang và hoạt động của lông chuyển tốt hơn.

Phòng bệnh như thế nào?

Với chứng viêm xoang do biến chứng từ viêm đường hô hấp, cha mẹ cần phòng ngừa bệnh cho trẻ bằng việc mặc ấm vào ngày lạnh, tránh bụi, khói, đặc biệt là khói thuốc lá. Thường xuyên dùng nước muối loãng rửa mũi, vệ sinh răng miệng hàng ngày cho trẻ. Những việc này tuy đơn giản nhưng lại giúp ngăn ngừa các bệnh về đường hô hấp và bệnh về tai, mũi, họng.
Khi nghi trẻ mắc bệnh về tai, mũi, họng nên cho trẻ đi khám bệnh càng sớm càng tốt, để được điều trị dứt điểm, không để trẻ mắc bệnh kéo dài, tái đi tái lại nhiều lần như: bệnh VA, viêm amiđan, viêm mũi, họng… Khi được chỉ định điều trị bằng kháng sinh cần tuân thủ đúng phác đồ, dùng đủ ngày và đúng liều.
Nâng cao sức đề kháng cho trẻ bằng chế độ dinh dưỡng đủ chất và phù hợp với độ tuổi.