Môi trường sống ngày càng ô nhiễm đã làm cho bệnh suyễn (hen suyễn hay còn gọi là hen phế quản) có chiều hướng gia tăng. Thiếu hiểu biết về triệu chứng, nguyên nhân hay cách phòng tránh khiến bệnh biến chứng nặng và khó điều trị hơn, thậm chí gây nguy hiểm đến tính mạng.

Nhận biết sớm những triệu chứng của bệnh hen suyễn giúp bạn có những biện pháp chữa trị hợp lý, giảm thiểu tác động xấu của bệnh đến sức khỏe và cuộc sống của bạn. Hãy cùng chúng tôi tìm hiểu cụ thể hơn về căn bệnh hen suyễn này.

1. Đặc điểm của bệnh suyễn (hen suyễn)

Bệnh suyễn (hen suyễn) là một bệnh lý mãn tính của đường thở. Tình trạng này làm cho đường thở trở nên rất nhạy cảm với các chất kích thích khác nhau. Khi tiếp xúc với các chất kích thích này, đường thở (phế quản) sẽ phù nề, co thắt, chưa đầy chất nhầy nên bị tắc nghẽn. Khiến cho bệnh có cơn ho, khò khè, khó thở.

Đây cũng là một biểu hiện về dị ứng, có thể kéo dài nhiều tháng năm. Chịu ảnh hưởng lớn của khí hậu, môi trường…

Khi bị hen suyễn, bệnh nhân sẽ bị co thắt và viêm đường dẫn khí, đường dẫn khí bị thu hẹp dẫn đến thở khò khè, co kéo – cò cử, thắt lồng ngực hoặc thở hổn hển. Nếu không được điều trị hoặc điều trị không đúng cách, có thể gây suy hô hấp mạn tính.

Bệnh có tính di truyền trong gia đình, hoàn toàn không phải là bệnh lây lan, truyền nhiễm. Tuy không thể trị dứt được nhưng có thể kiểm soát được. Các phương pháp điều trị hiện nay chủ yếu giúp bệnh nhân kiểm soát bệnh một cách tốt nhất. Giúp bệnh nhân sống khỏe mạnh, năng động với rất ít các triệu chứng hen suyễn.

2. Dấu hiệu cho thấy bạn bị hen suyễn

– Thở khò khè: tiếng rít thường nghe được khi thở ra. Tiếng rít này dễ dàng được nhận ra bởi bác sĩ chuyên khoa, thậm chí chính bạn cũng có thể nhận ra. Đây là một trong những triệu chứng điển hình của hen suyễn.

Ho mãn tính dai dẳng: ho có thể kéo dài và thường hay xảy ra. Ho cũng là dấu hiệu nặng của cơn suyễn vào ban đêm. Triệu chứng ho rất dễ bị nhầm lẫn với những bệnh đường hô hấp khác. Nếu bạn thường bị đánh thức bởi những cơn ho vào ban đêm do đường thở đột ngột bị thu hẹp thì bạn nên đến gặp bác sĩ càng sớm càng tốt.

– Nặng ngực hụt hơi ngay cả khi vận động nhẹ: cảm giác giống như lồng ngực bị bóp chặt. Nếu bạn bị hụt hơi ngay cả khi chỉ vận động nhẹ, cảm thấy nặng ngực. Tiếp đó phải ngồi xuống và nín thở rồi mới có thể tiếp tục hoạt động bình thường thì rất có có thể bạn đã bị hen suyễn.

– Luôn cảm thấy mệt mỏi: Đôi khi bạn gặp tình trạng thở nặng nhọc, khò khè, nhịp thở không đều và thấy nặng ngực mà không vì lý do gì. Cơ thể mệt mỏi do không được cung cấp đủ oxy. Và đây cũng là dấu hiệu không thể bỏ qua của bệnh hen suyễn.

Các triệu chứng này có thể xảy ra nếu bạn không điều trị hay điều trị không đúng cách bệnh hen suyễn. Hoặc khi bạn tiếp xúc với chất kích ứng gây ra cơn hen suyễn.

3. Lời khuyên của bác sĩ

– Điểm cốt yếu của bệnh hen suyễn là ngay cả khi không để ý đến nó, viêm đường dẫn khí luôn đồng hành… Đó là lý do hết sức quan trọng khiến người bệnh phải điều trị hen suyễn mỗi ngày – ngay cả khi cảm thấy khỏe. Để tránh bị suy hô hấp mạn tính.

– Hiểu biết về bệnh và tuân thủ phác đồ điều trị mà bác sĩ đưa ra. Tuyệt đối không dùng thuốc theo lời khuyên của người không có chuyên môn.

– Các chuyên gia cho rằng các thuốc điều trị hen suyễn hiện nay có thể giúp người bệnh có một cuộc sống khỏe mạnh, năng động với rất ít các triệu chứng hen suyễn.

+ Nếu điều trị đúng, người bệnh hoàn toàn có thể tham gia đầy đủ các hoạt động hàng ngày và tham gia các hoạt động thể dục thể thao

+ Giảm thiểu được các triệu chứng hen suyễn như: ho, khò khè, nặng ngực và khó thở.

+ Có được giấc ngủ đêm trọn vẹn: bệnh nhân bị hen suyễn nếu không được kiểm soát tốt hen suyễn rất dễ bị thức dậy lúc nửa đêm về sáng do các triệu chứng của hen suyễn.

+ Giảm thiểu số lần phải nhập viện vì hen suyễn;

+ Duy trì chức năng hô hấp bình thường hoặc gần bình thường và giúp ngăn chặn tổn thương đường dẫn khí vĩnh viễn;

+ Tránh được hay giảm thiểu tối đa các tác dụng không mong muốn của thuốc điều trị hen suyễn…

Ngược lại, nếu bệnh suyễn không được điều trị sẽ làm giảm hoạt động chức năng phổi về lâu về dài. Thậm chí làm tổn thương vĩnh viễn đường dẫn khí. Cũng có bằng chứng rằng nếu không được điều trị đúng cách, theo thời gian, bệnh hen suyễn sẽ trở nên trầm trọng hơn.

Ðó chính là lý do bạn phải tuân thủ kế hoạch điều trị mà bác sĩ đã chỉ định. Đồng nghĩa với việc bạn cần sử dụng thuốc dự phòng hàng ngày, chẳng hạn như một loại thuốc kháng viêm dạng hít. Cách dự phòng này có thể giúp giảm thiểu các triệu chứng hen suyễn và giảm tổn thương đường hô hấp.

– Để phòng ngừa bệnh suyễn cần loại bỏ những nguyên nhân gây khởi phát cơn hen như:

+ Tránh trực tiếp tiếp xúc với bụi, khói, nhất là thuốc lá và các chất kích thích.

+ Tránh hoạt động thể lực mạnh và đặc biệt là giữ môi trường sống trong lành.

+ Khi xịt nước hoa, thuốc muỗi cần tránh xa hoặc thông báo người bị hen không phải tiếp xúc.

+ Không nên cho trẻ ôm thú cưng, thú nhồi bông vì lông có thể ảnh hưởng đến hô hấp.

+ Đối với việc sử dụng thuốc phòng ngừa, chú ý phải dùng lâu dài theo hướng dẫn của bác sĩ và tái khám thường xuyên ở cơ sở y tế có chuyên khoa về bệnh suyễn. Không được bỏ thuốc nửa chừng vì rất nguy hiểm, có thể làm cơn suyễn tái phát nặng hơn.