Viêm họng ở trẻ em là tình trạng các mô và cơ cấu trong họng của trẻ bị viêm, sưng hoặc nhiễm trùng.
Dấu hiệu bé bị viêm họng hầu hết sẽ thấy những biểu hiện như: đau họng, sốt nhẹ, quấy khóc, bỏ ăn… Nếu không điều trị kịp thời dẫn đến nguy hiểm tới sức khỏe của trẻ.
1. Nguyên nhân trẻ bị viêm họng
Có rất nhiều nguyên nhân khiến bé bị viêm họng từ những tác động bên ngoài hay do virus, vi khuẩn từ bên trong. Biết được chính xác nguyên nhân gây bệnh sẽ giúp bố mẹ có cách trị viêm họng cho trẻ phù hợp nhất.
– Do virus, vi khuẩn, nấm:
+ Virus: cúm, sởi, Adenovirus…
+ Vi khuẩn: phế cầu, tụ cầu, liên cầu…
+ Nấm: Candida
– Các tác nhân bên ngoài:
+ Do thay đổi thời tiết đột ngột từ nóng sang lạnh hoặc ngược lại, nóng ẩm mưa nhiều
+ Do sống trong môi trường ô nhiễm: khói xe, khói thuốc lá/thuốc lào, bụi bẩn…
– Do trẻ vừa mới cai sữa mẹ hoặc thay đổi chế độ ăn dặm
– Môi trường sống của trẻ thay đổi như cho trẻ đi mẫu giáo, nhà trẻ…
– Để quạt thổi thẳng vào người bé khi ngủ, tắm ngay sau khi trẻ vừa mới vận động ra nhiều mồ hôi, trẻ bị dính nước mưa mà không được tắm hoặc thay quần áo ngay. Để trẻ ngâm mình trong bồn tắm hoặc bể bơi quá lâu…
– Ăn đồ lạnh (kem, đá), uống nước lạnh…
Nhiều người vẫn nghĩ rằng trẻ chỉ bị viêm họng vào mùa lạnh tuy nhiên thực tế lại không phải như vậy. Vào mùa hè, thời tiết nóng ẩm mưa nhiều là điều kiện thuận lợi để vi khuẩn phát triển và sinh sôi nhanh chóng cũng có thể gây viêm họng ở trẻ.
Nguy hiểm nhất chính là viêm họng do liên cầu beta tan huyết nhóm A gây ra. Vỏ của loại liên cầu khuẩn này có cấu trúc gần giống cấu tạo của màng thận, màng tim, màng khớp.
Khi trẻ bị viêm họng mà không được chữa trị kịp thời thì cơ thể sẽ tự sản sinh ra kháng thể chống lại loại liên cầu này. Tấn công cả vào tim, thận, khớp gây thấp tim, viêm cầu thận và viêm khớp, để lại những hậu quả nặng nề.
2. Dấu hiệu nhận biết bé bị viêm họng
Khi trẻ bị viêm họng có khá nhiều triệu chứng rõ ràng, nhưng tùy thuộc vào từng bé mà các triệu chứng có biểu hiện nặng nhẹ khác nhau. Theo các bác sĩ thì viêm họng ở trẻ em thường có những triệu chứng cụ thể sau:
– Sốt cao
Biểu hiện đầu tiên thường thấy là trẻ bị sốt nhẹ hoặc sốt cao 39-40 độ C, người mệt mỏi.
Với trẻ dưới 3 tháng tuổi thì chỉ cần có dấu hiệu sốt là phải đưa trẻ đi khám. Các bé từ 3-6 tháng tuổi thì sốt khoảng 38,3 độ C là bắt đầu ở mức nghiêm trọng, trên 6 tháng tuổi thì sốt khoảng 39 độ C là cần phải chú ý.
– Ngứa rát cổ họng dẫn đến ho
Ngứa rát cổ họng ở mỗi trẻ sẽ nặng hoặc nhẹ tùy theo tình trạng bệnh. Bên cạnh ngứa rát cổ họng, trẻ còn có thể bị ngạt mũi, chảy nước mũi, hát hơi, ho (có thể là ho khan hoặc ho có đờm), đau họng khi nuốt hoặc ăn dẫn đến việc trẻ chán ăn.
– Trẻ quấy khóc, lười ăn
Do cổ họng luôn thấy đau khi nuốt cùng với tình trạng ngạt mũi nên gây cảm giác khó chịu cho bé. Khiến bé lười ăn, kém bú, khó ngủ và phải thở bằng miệng.
Nếu tình trạng viêm đã lan xuống đường hô hấp dưới thì có thể sẽ khiến trẻ thở nhanh hơn bình thường. Thỉnh thoảng bị co rút lồng ngực (trẻ nhỏ sẽ có khả năng bị cao hơn). Lúc này, tránh ép trẻ phải ăn, uống vì có thể khiến bé khó thở hơn, nên đưa trẻ đến gặp bác sĩ sớm.
Triệu chứng này khá giống với biểu hiện khi trẻ mọc răng nên bố mẹ thường chủ quan. Tuy nhiên, khi thấy bé sốt cao, nhịp thở nhanh, chảy nhiều dãi thì cần đưa trẻ đi khám ngay để có cách điều trị hợp lí. Tuyệt đối không được tự ý mua thuốc về điều trị.
– Xuất hiện hạch ở cổ
Triệu chứng này không phải ở bé nào cũng có tuy nhiên cũng khá phổ biến. Hạch thường mọc 2 bên dưới cằm, có thể di động và khi ấn thì thấy đau. Cùng với đó là cổ họng sưng to bất thường, tấy đỏ.
Bố mẹ hay nhầm với việc con bị nuốt phải dị vật nên thường ép bé phải há to miệng để kiểm tra, gây đau đớn cho trẻ.
3. Điều trị khi trẻ bị viêm họng
– Khi phát hiện trẻ bị viêm họng, bố mẹ cần cho trẻ nghỉ ngơi, và giữ ấm cho trẻ. Đặc biệt là các bộ phận như cổ, ngực và gan bàn chân.
– Hãy cho trẻ ăn nhiều hoa quả như cam, quýt, bưởi để bổ sung vitamin C cho trẻ, giúp trẻ có sức đề kháng tốt hơn.
– Nếu đã thử làm các cách trên mà trẻ không có dấu hiệu suy giảm và có hiện tượng sốt cao đến 38 độ C. Thì bạn cần đưa trẻ đến gặp bác sĩ để được chỉ định phương pháp điều trị. Không nên tự ý cho trẻ uống các loại thuốc kháng sinh.
4. Cách phòng bệnh viêm họng cho trẻ
– Vệ sinh đường hô hấp (họng, răng và miệng) cho trẻ hàng ngày bằng đúng cách: đánh răng, súc miệng – họng bằng nước muối loãng.
– Khi ra đường phải đeo khẩu trang để tránh những tác nhân từ môi trường như khói bụi, cho trẻ uống nhiều nước và hướng dẫn cho trẻ hoạt động thể chất, rửa tay sạch sau khi chơi và trước khi ăn.
– Không cho trẻ uống nước đá cũng như ăn các sản phẩm đông lạnh khác
– Nên để nhiệt độ phòng ngủ vừa phải không nên để thấp quá. Nhiệt độ phòng nếu người lớn cảm thấy mát thì đối với trẻ em là lạnh.
– Cho trẻ uống thuốc theo chỉ định của bác sĩ: Để điều trị viêm họng ở trẻ em có thể phải dùng thuốc kháng sinh, tuy nhiên phải tuân thủ theo chỉ dẫn của bác sĩ.
Tuyệt đối không được dùng aspirin cho bé vì nó có liên quan đến hội chứng Reye ở trẻ. Bạn cũng có thể áp dụng những bài thuốc dân gian nhưng cần tham khảo ý kiến của bác sĩ.
Bé bị viêm họng thường không có gì nguy hiểm nếu được chăm sóc và điều trị đúng cách. Nhưng nếu để quá lâu có khả năng tái phát cao ảnh hưởng đến hệ hô hấp. Có khả năng gây ra biến chứng như: viêm phổi, viêm phế quản, ảnh hưởng đến sức khỏe và sự phát triển của trẻ.